Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Khiêu vũ và thầy!

Khiêu vũ quốc tế

Điều hành viên: docco

Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng mười 06, 2012, 11:35 am


Khiêu vũ và thầy

Con người Việt Nam luôn mang trong mình dòng máu tôn sư trọng đạo, kết quả của nền giáo dục dựa trên Khổng giáo của cha ông ta. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư": một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Câu trên không chỉ nói đến những người thầy dạy chữ, mà còn bao hàm cả là những người thầy dạy nghề. Tại sao người ta lại kính trọng thầy đến như vậy?

Vì trước đây người thầy không phải chỉ có dạy ta cái chữ, dạy ta cái nghề. Thầy còn dạy chúng ta về cái lễ: " về cách làm người". Và đây là điều quan trọng nhất của một người thầy.

Trong một xã hội đạo đức, cái "đạo lý làm người" mới là quan trọng bậc nhất. Rất nhiều những câu nói như "Tiên học lễ, hậu học văn", "Tài bất thắng đức"... cho thấy rõ quan niệm về đạo lý làm người trong xã hội như thế nào. Và ai đã dạy cho chúng ta về những điều này? Chính là thầy.

Người thầy đâu chỉ dạy ta những kiến thức, thầy còn dạy ta những đạo lý làm người, dạy chúng ta những điều cần thiết trong cuộc sống. Rất dễ hiểu là tại sao ngày xưa người ta rất kính trọng thầy, xem công lao của thầy còn hơn cha mẹ.

Nhưng một xã hội đạo đức tốt đẹp như thế cũng như những cây cỏ quý, rất dễ bị loài cỏ dại lấn lướt và làm chết đi. Cỏ dại thì không ai trồng, nhưng rất dể sinh sôi nẩy nở trong mọi điều kiện, trong mọi hoàn cảnh. Nó cũng giống như thói tham lam và ích kỷ của con người. Những điều tốt đẹp của người thầy cũng không thoát khỏi, nó cũng thường bị loài cỏ dại trên lấn chiếm và làm mất đi.

Thật bi quan nếu chúng ta nói rằng hình như hiện nay có rất ít những người thầy chân chính mà lại có quá nhiều những người hướng dẫn, người người dạy nghề kiếm ăn, thậm chí kiếm ăn một cách bẩn thỉu. Nếu những ai có biết trường hợp bẩn thỉu này, bẩn thỉu nọ và lên tiếng thì có lẻ cũng sẽ không có gì là "lỗi đạo" nếu phê phán và chỉ trích những người thầy thuộc loại này. Tuy nhiên mục đích của topic là một vấn đề khác: làm sao để giúp những người mới học có một số hiểu biết về "học thầy", vì một người mới bước vào thế giới khiêu vũ làm sao có đủ kiến thức để có thể tìm ra đâu là nơi dạy tốt, đâu là nơi tranh thủ móc ví người học.

Thời còn tiểu học, tôi học toán ở một thầy giáo làng. Rồi lớn lên tôi theo học trường trung học ở tỉnh, rồi vào TPHCM học đại học. Khi trở về làng cũ, thầy tôi vẫn còn đó, vẫn dạy toán bậc tiểu học cho các em trong làng như ngày nào. Có thể giờ đây thầy không thể bằng tôi, có thể thầy không hề biết phương trình La Grand là gì, chưa từng biết giải các phương trình vi tích phân nhưng ở phạm vi "toán học bậc tiểu học" của mình, thầy tôi am hiểu nó rất rõ. Nếu các thầy dạy toán bậc đại học của tôi có về đây dạy thì tốt nhất cũng chỉ như thầy, có khi còn thua xa về kinh nghiệm truyền đạt. Đó là lý do tại sao thầy tôi vẫn được kính trọng trong làng, vẫn ngày ngày được tín nhiệm để làm nhiệm vụ hướng dẫn cho lớp thế hệ sau. Đơn giản là vì để các em trong làng "học toán bậc tiểu học" thì không đâu tốt hơn nơi thầy giáo làng của tôi.

Vậy các bạn đừng có bao giờ mung lung: ông A nghe nói có đi thi đấu ở Tây về, bà B nghe nói có đi học thầy ở Anh mấy năm, ông C vừa rồi thấy có tên trong danh sách thí đấu giải này giải nọ. Cái mà bạn cần chính là:

  • Xác định cho mình là muốn học ở cấp độ nào?
  • Người hướng dẫn bạn có đủ kiến thức về chuyên môn ở cấp độ đó không để có thể dạy bạn được?
Có một số bạn muốn phức tạp thêm vấn đề thì bảo rằng có kiến thức và kỹ năng không thì chưa đủ, còn phải có khả năng sư phạm. Tôi thì đơn giản hơn, không kể ra "khả năng sư phạm" ở đây vì nghĩ rằng "khả năng sư phạm" là gì nếu không phải là kiến thức. Tốt nghiệp Đại học Cao học về Sư phạm ra được cho là có khả năng sư phạm, nhưng đó là gì nếu không phải là kiến thức thu được từ những năm học ở nhà trường sư phạm? Kiến thức không chỉ đơn giản là các bước đi, các động tác kỹ thuật. Kiến thức bao gồm cả những vấn đề như tâm lý, phương pháp truyền đạt, xu hướng phát triển, các vấn đề về lịch sử, về xã hội có liên quan, vân vân và vân vân.

Nhưng làm thế nào để tìm ra một giáo viên tốt?

Câu hỏi dường như không khó nhưng cũng sẽ không dễ dàng gì trong xã hội đầy rẩy những bẩn thỉu và gian lận như hiện nay. Dựa vào bằng cấp ư? Cũng từng có khá nhiều các tiến sĩ "ma" trong các đơn vị nhà nước, huống gì là các mẫu giấy chứng nhận là "vũ sư". Có một câu chuyện khôi hài mà chắc các bạn đã nghe là "bom giấy": đây là một phát minh hiện đại khủng khiếp nhất của con người, người ta sợ nó gấp trăm ngàn lần bom nguyên tử hay bom H, vì khi "bom giấy" nổ, tất cả bằng cấp của con người đều tan biến: con người phải trở về với chính thực lực của mình.

Cũng có một vài khía cạnh để giúp bạn tìm kiếm một người dạy tốt cho mình hay cho các con của mình:

  • Kiến thức và kinh nghiệm
    Cái bạn cần không phải là học ở một người vừa đoạt giải vô địch mà là một giáo viên am hiểu cái đang theo học, có thể trình bày rõ để bạn hiểu biết vấn đề, có thể hướng dẫn bạn rõ ràng để bạn thực hành, có thể nhận thấy và sửa ngay các lỗi khi bạn đã làm sai. Đừng phân biệt già trẻ ở đây và đừng cho rằng già thì có kinh nghiệm còn trẻ thì không. Có những người tuổi còn trẻ nhưng họ lại có nhiều năm nghiên cứu về bộ môn của mình, cũng như có những người già dạy lâu năm nhưng kiến thức vẫn còn hạn hẹp, nhất là hoàn toàn không cập nhật kiến thức.
  • Phương pháp và giáo trình.
    Khi bạn nhắm đến hiệu quả của việc học tập thì không thể bỏ qua phương pháp và giáo trình huấn luyện. Hiệu quả càng cao khi bạn được dạy theo một phương pháp khoa học, có giáo trình bài vỡ rõ ràng. Bất kỳ một môn học nào cũng có tính kế thừa: xong cái 1 thì mới có cơ sở để học cái 2. Xong cái 2 thì mới có căn bản để học cái 3..... Cái gì cần dạy trước, cái gì cần dạy sau, cái gì cần dạy song song phải được thực hiện rất rõ ràng.
  • Trách nhiệm
    Giáo viên của bạn có đến lớp sớm hay không, hay bạn thường phải quanh quẩn đâu đó chờ giáo viên và lớp lúc nào cũng bắt đầu muộn. Rồi lại về sớm. Giáo viên có thường để ý đến bạn để sửa sai hay không hay mặc cho bạn tiếp thu thế nào tùy ý. Nếu bạn không thực hiện được, giáo viên của bạn có kiên nhẫn để tìm cách khắc phục khuyết điểm của bạn hay không? Đó là những điều bạn xem xét để biết giáo viên của bạn có trách nhiệm hay không.
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh hà,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Re: Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi PhoenixHCMC » Tháng mười hai 15, 2012, 8:34 pm

Chào bác Docco.

Em rất thích bài viết này của bác. Em nghĩ Thầy dạy môn nào dù là thể thao, nghệ thuật đều phải hội tụ 3 tiêu chí mà bác nói. Xã hội bây giờ loạn quá. Đừng trách trò không tôn sư trọng đạo mà hãy xem lại Thầy đã đủ tư cách làm Thầy chưa? Dù là Thầy dạy Khiêu vũ, dạy múa mà có lương tâm, có kinh nghiệm thì các trò là Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ vẫn tôn trọng như các Thầy phổ thông, Đại học nghiêm túc thôi

Em rất muốn được kết bạn và học hỏi nơi bác.

PHCM
RANDOM_AVATAR
PhoenixHCMC
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Đến cấp kế tiếp:
30%
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: Tháng mười hai 06, 2012, 2:08 pm
Điểm (Points): 0
Handphone: 0

Re: Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi tuankt0211 » Tháng bảy 01, 2013, 9:02 pm

Em thấy bài viết của bác docco bài nào cũng hay và sâu sắc :twisted:
RANDOM_AVATAR
tuankt0211
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Tháng năm 26, 2012, 11:12 am
Đến từ thành phố: Nam Định
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng hai 23, 2014, 11:36 pm



Nina Hunt, người thầy vĩ đại của những bậc thầy


Nina Hunt (1932-1995), người Anh, là một huấn luyện viên vĩ đại nhất mọi thời đại và là nhà biên đạo các điệu nhảy Mỹ-Latin.

ninahunt.jpg

Bà Nina Hunt


Bà sinh năm 1932 tại Isle of Man, một đảo nhỏ phía tây giữa Anh và Scotland, trở thành một nữ diễn viên rồi làm việc tại một cửa hàng trang sức. Tại đây bà gặp Dimitri Petrides, một vũ công Mỹ Latinh. Nina Hunt đã thuyết phục Dimitri Petrides dạy cô nhảy và không bao lâu đã trở thành một vũ công chuyên nghiệp. Điều đặc biệt ở bà là thay vì phát triển sự nghiệp khiêu vũ qua thi đấu, bà lại đi vào nghiệp huấn luyện viên. Chưa từng có một giải thưởng thi đấu lớn nào, nhưng Nina Hunt đã trở thành một huấn luyện viên khiêu vũ nổi tiếng nhất mọi thời đại, đạt giải thưởng Alan Carl năm 1968 và được mời vào Ủy ban Khoa Mỹ-Latin đầu năm 1964.

Nhìn các thành tích bà đã đạt được dưới đây, hầu như chắc chắn sẽ không bao giờ có một huấn luyện viên nào lập lại được thành tích này một lần nữa: trong suốt hơn 4 thập kỷ, các nhà vô địch thế giới, hạng chuyên nghiệp hay nghiệp dư, đều do bà đào tạo.

A. Các nhà vô địch thế giới Latin Professional World Champions sau đây là học trò của bà:

1. Bill & Bobbie Irvine MBE: vô địch Latin World Champion 1960, 1962-1968
2. Rudolf & Mechtild Trautz: vô địch 1967, 1969-1971
3. Wolfgang & Evelyn Opitz: vô địch 1972
4. Hans-Peter & Ingeborg Fisher: vô địch 1973-1975
5. Alan & Hazel Fletcher: vô địch 1977-1981
6. Donnie Burns MBE và Gaynor Fairweather MBE: vô địch từ 1984-1996 và 1998
7. Martin & Alison Lamb: vô địch Professional 10 Dance World Champions 1993

B. Ở giải Amateur, bà cũng đào tạo rất nhiều nhà vô địch

1. Karl & Ursula Breuer: 1961
2. Dr Jurgen & Helga Bernhold: 1962, 1966 và 1967
3. Robert Taylor & Anita Gent: 1964
4. John & Betty Westley: 1965
5. Peter & Hanni Neubeck: 1968, 1970 và 1971
6. Raymond Root & Francis Spires: 1969
7. Alan & Hazel Fletcher: 1972 và 1973
8. Ian & Ruth Walker 1975.: 1975
9. Jeffrey Dobinson & Debbie Lee London: 1977
10. David Sycamore & Denise Weavers 1978-1979
11. Marcus & Karen Hilton: 1982, 1983
12. Horst Beer & Andrea Lankenau: 1985
13. Bryan Watson & Claudia Leoni: 1991

Đây mới chỉ là khởi đầu của một danh sách của vô số các học sinh, có rất nhiều người là vô địch các giải Champions quốc gia, như Sammy Stopford, chồng củ của bà Shirley Ballas từng nhiều lần vô địch các giải Professional Latin của Anh và Châu Âu. Sau này Shirley lấy Corky thì hai người cũng đều là học trò của bà, từng 7 lần vô địch giải United States International Latin Champions, 2 lần vô địch giải British National Champions, vô địch World British Champions 1995-1996 và vô địch World International Champions. Barbara McColl sau đó kết hợp với Sammy Stopford cũng do bà dạy.


Nina Hunt hướng dẫn Samba ở Blackpool Festival 1990 với 2 học trò là Corky & Shirley


Nina Hunt hoàn toàn chú tâm vào việc giảng dạy khiêu vũ và lo việc gia đình. Bà không hề có một thú vui nào khác ngoài khiêu vũ. Bà làm việc đến 13 giờ một ngày và sau đó vẫn dành thời gian và sự nhiệt tình để đàm luận với bạn bè về khiêu vũ.

Bà mất năm 1995 sau một cơn đột quỵ, lúc 63 tuổi.
Bà là một tên tuổi lớn sánh ngang với Walter Laird, nhưng giới trẻ ngày nay không có nhiều người biết đến.
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, thực phẩm chức năng

Re: Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi qteo » Tháng mười 09, 2015, 6:33 pm

Không biết bác docco có đào tạo ra bậc thầy nào chưa nhưng mình vẫn nghĩ bác docco xứng đáng là một người thầy đầy tâm huyết về môn khiêu vũ. Cảm ơn bác docco rất nhiều vì những điều học được từ bác dù chưa hề quen biết bác bao giờ.
Đẹp bằng trí tuệ
Khoẻ bởi tình iêu
Hình đại diện của thành viên
qteo
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Đến cấp kế tiếp:
72%
 
Bài viết: 86
Ngày tham gia: Tháng tư 29, 2014, 2:31 pm
Đến từ thành phố: Sài Gòn
Điểm (Points): 2
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng mười một 19, 2016, 11:38 am

Thời gian trôi qua quá nhanh! Mới đó lại đến ngày Nhà Giáo, cái ngày gợi tôi nhớ đến những người đã dìu dắt mình thành người. Cuộc sống thất quá bận rộn và khắt nghiệt đến nỗi hầu như tôi chẳng còn biết những người thầy năm xưa hiện nay như thế nào, vẫn còn tiếp tục trọng trách cao cả ở đâu đấy, hay đã xong trách nhiệm và đang an dưỡng tuổi già.

Ngày Nhà Giáo là một ngày trọng đại đối với những ai gánh trong mình những trọng trách thiêng liêng của ngành giáo dục, mà theo tôi, trong đó có 2 điều cơ bản: - một là phải luôn tự soi mình để thấy những khiếm khuyết và những thiếu sót, từ đó học tập không ngừng để có đủ trình độ mà giáo dục cho lớp kế thừa - hai là dũng cảm đấu tranh chống lại những sai trái trong ngành, mà đơn giản nhất vạch trần những kẻ mượn danh giáo dục để mưu cầu lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của những nhà giáo chân chính.

Ngày Nhà Giáo là một ngày để các người thầy đoàn kết nhau chống lại sai trái, chia sẻ nhau những kiến thức, những kinh nghiệm để từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ đào tạo lớp kế thừa. Đây là ý nghĩa to lớn nhất, xứng đáng với cái tên đầy đủ là "Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà Giáo".

Chính vì luôn hướng đến những trọng trách to lớn như trên mà người thầy luôn nhận được sự kính trọng và biết ơn của mọi người, nhất là ở cái xứ có truyền thống tôn sư trọng đạo như Việt Nam ta, qua đó họ xứng đáng nhận được những bó hoa trong ngày 20/11, nhưng đó KHÔNG phải là cái mà người thầy giáo nghĩ đến trong ngày thiêng liêng này.

Ở bộ môn khiêu vũ của chúng ta cũng không ngoại lệ. Không có một lớp dạy khiêu vũ nào ở xứ ta mà không có hoa hay quà tặng thầy cô trong ngày này, vì mọi người nghĩ "môn gì thì cũng là thầy", cho dù khiêu vũ chỉ là một bộ môn chưa cần thiết với đại đa số dân chúng.

Nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh và vẫn đang loanh quanh trong kiếp nạn đói nghèo, tham nhũng, bất công và lạc hậu, nên khiêu vũ được xem là bộ môn không cần thiết với đại đa số dân chúng lam lũ, cái ăn còn chưa có lấy đâu ra cái đẹp. Tuy nhiên, trong sự khốn cùng đó, con người ta vẫn cố gắng hướng đến những cái đẹp sau những giờ lao động cơ cực để cuộc sống vui hơn, có ý nghĩa hơn, trong đó có khiêu vũ. Không riêng gì những người khá giả, giờ đây ta vẫn thấy có những bà bán rau, những chị bán cá, anh xe ôm vẫn đi tập tành mỗi tối ở những lớp dạy khiêu vũ. Đa phần họ cũng chẳng dư giả gì, thường ngày phải chạy vạy miếng cơm manh áo nên học phí hay quà cáp cho thầy cô trong những ngày này cũng thường là những bận tâm của họ. Một số em học sinh thì phải dè xẻn cắt xén các chi tiêu để có đủ tiền đóng học phí, thì lấy đâu ra quà cho những ngày này. Thật là quá nhẫn tâm nếu người thầy chỉ là một "cái máy báo đóng tiền", biến những cố gắng của học viên thành thứ vô bổ.

1. Cần có lương tâm

Nói thế để thấy rằng làm thầy giáo, ta được mọi người tôn trọng thì gánh nặng cũng nhiều theo, nhất là những người kiếm sống bằng nghề dạy khiêu vũ thì cần phải có lương tâm hơn. Thật xót xa nếu như học viên của mình bỏ ra bao công sức, thời giờ và tiền bạc để mong học được gì, nhưng cuối cùng lại chẳng ra sao.

Một người kiếm ăn bằng nghề xây dựng có thể không cần lương tâm vì nếu một trong các căn nhà họ xây mà bị đỗ, họ sẽ bị trừng phạt theo pháp luật. Nhưng ở một người thầy dạy khiêu vũ thì rất cần phải có lương tâm - vì chẳng có pháp luật nào trừng trị họ nếu dạy sai và làm hỏng nhiều người. Người thầy cần phải phải luôn tự soi chính mình, không vì thói sĩ diện hay vì miếng ăn mà đem những "mầm bệnh" trong người mình truyền bá cho kẻ khác.

2. Cần phải có kiến thức.

Có lương tâm, có ý tốt vẫn chưa đủ mà còn cần phải có kiến thức. Ông cha ta thường nói "sai một ly đi một dặm", nhưng đối với người thầy không chỉ "đi một dặm" mà đi cả "ngàn năm ánh sáng". Người thầy dạy đúng thì học viên được nâng tầm còn dạy sai thì đẩy học viên vào nơi tăm tối nhất không mong có ngày thoát ra được. Sửa được một cái sai sau này sẽ khó gấp nhiều lần học một cái mới, cho nên nếu có lương tâm, có ý tốt thì nên để học viên không biết còn hơn là dạy họ làm sai.

Không có kiến thức chuyên môn bao quát cũng dễ dẫn đến nhiều tai hại. Nếu như ở toán học, ta dạy đúng ắt học viên sẽ giải bài toán đúng, còn ở các bộ môn nghệ thuật như khiêu vũ thì không thể thấy kết quả rõ ràng như vậy. Không có kiến thức chuyên môn bao quát thì dạy học viên thực hành một chuyển động này nhưng vô tình làm phát sinh ra những cái sai khác. Kiến thức tổng quát của người thầy đóng vai trò rất lớn trong việc dạy học, không có kiến thức thì có thể đẩy học viên đến cỏi mơ hồ rồi lạc lối, học cái này thì méo cái kia, học cái kia thì méo cái nọ.

3. Cần phải có kinh nghiệm

Trong khiêu vũ thì có kiến thức vẫn chưa đủ mà cần phải có kinh nghiệm về cảm thụ của cơ thể, vì ở khiêu vũ không chỉ phải có hiểu biết bằng đầu óc mà còn phải có hiểu thấu nó bằng chính cơ thể của mình.

Nội dung dạy học của người thầy không những được lấy ra từ kiến thức mà còn phải lấy ra từ những kinh nghiệm luyện tập của bản thân. Không có kinh nghiệm luyện tập thì không thể có chất liệu để dạy học, vì chỉ thông qua luyện tập, người thầy mới có được cái gọi là "body feeling", một chất liệu cần có khi dạy khiêu vũ - đây là sự cảm nhận của cơ thể, cái mà học viên không thể thấy qua thị phạm.

Dạy học viên cũng hơi hơi giống như xây một cái nhà, muốn xây nhà cao thì nền móng phải xây chắc trước. Nhìn cách xây móng, người ta biết ngôi nhà này sẽ có tầm cao bao nhiêu. Cũng vậy, nhìn cách dạy kỹ thuật cơ bản, người ta biết các học viên của họ sẽ tiến đến trình độ nào.

Đối với những học viên xác định chỉ cần chơi giao tiếp thì việc xây nền móng chắc là làm mất thời gian của họ. Nhưng đối với các học viên có thời gian, cần học tập nghiêm chỉnh mà không tạo cho họ một nền tảng vững chắc thì là làm hại họ. Nhà móng yếu muốn sửa cho cao hơn thì chỉ có cách đập bỏ rồi làm móng xây lại từ đầu - còn học viên không có kỹ thuật cơ bản mà muốn nâng cao trình độ thì e rằng không còn cơ hội, vì cho dù ta không thấy thời gian trôi đi nhưng tuổi trẻ sẽ không bao giờ ở lại.

*
* *


Vài dòng chia sẻ và kính chúc các thầy cô ngày 20/11/2016 thật nhiều ý nghĩa và hạnh phúc.
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, power saving, thực phẩm chức năng

Re: Khiêu vũ và thầy!

Gửi bàigửi bởi qteo » Tháng một 05, 2017, 2:09 pm

Cảm ơn docco rất nhiều. Từ tim, từ óc, từ kinh nghiệm sống phong phú mới đúc kết được thành những điều sâu sắc, cơ bản như vậy. Không phải chỉ đọc lướt qua là hiểu hết được cái thâm thúy sâu xa của docco. Nhẹ nhàng nhưng thấm thía biết bao!
Đẹp bằng trí tuệ
Khoẻ bởi tình iêu
Hình đại diện của thành viên
qteo
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Đến cấp kế tiếp:
72%
 
Bài viết: 86
Ngày tham gia: Tháng tư 29, 2014, 2:31 pm
Đến từ thành phố: Sài Gòn
Điểm (Points): 2
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0


Quay về KHIÊU VŨ BALLROOM (Ballroom DANCING)

Points: 0

cron