Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Gửi bàiĐã gửi: Tháng mười hai 01, 2012, 12:34 am
gửi bởi docco



Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Có lẽ giờ đây chúng ta không còn lạ gì với các điệu nhảy Salsa hay Bachata đang phổ biến ở Việt Nam. Chúng ta cũng không còn lạ gì với những điệu nhảy Rumba, Cha Cha Cha Sài Gòn có từ xưa hay những điệu nhảy Latin quốc tế vừa du nhập mà mới đây được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ qua chương trình "Bước Nhảy Hoàn Vũ" format theo "Strictly Come Dancing của Anh".

Tuy phổ cập như vậy nhưng không phải ai cũng biết các điệu nhảy Latin có nguồn gốc và đặc tính thế nào.

Một vấn đề khác về âm nhạc trong khiêu vũ Latin mà nhiều người cũng rất rối rắm là nhạc Rumba khiêu vũ không chơi theo cách nhấn phách agogic thông thường (ở phách 1) mà lại nhấn ở phách 4. Đây không phải là kiểu dịch phách thông thường của các nhạc công mà là nó có liên quan mật thiết đến nền âm nhạc polyrhythm của người Cuba gốc Phi (Afro-Cuban).

Để hiểu rõ những vấn đề này, không có gì hay hơn là chúng ta xem qua qua sự hình thành và phát triển của các điệu nhảy Latin.

Châu Mỹ-Latin
Nói đến các điệu nhảy Latin hay Mỹ-Latin là nói đến các điệu nhảy truyền thống của các dân tộc trên toàn khu vực rộng lớn trãi dài từ phía nam Hoa Kỳ đến tận cuối Nam Mỹ, cùng những đảo trên vùng vịnh Ca-ri-bê. Những điệu nhảy này là sự pha trộn văn hóa giữa người bản địa (Amerindian), người châu Phi và người châu Âu trong suốt một thời gian dài.

Nói đến các điệu nhảy Mỹ-Latin là nói đến các thể loại nhảy múa đa dạng của châu Mỹ-Latin theo từng thời kỳ: thời kỳ chưa bị đế quốc xâm chiếm, thời kỳ bị nô lệ và đấu tranh giành độc lập, thời kỳ phát triển và định quốc.

Nói đến các điệu nhảy Mỹ-Latin là nói đến các điệu nhảy được pha trộn bởi nhiều nền văn hóa khác nhau: khiêu vũ của nền văn hóa bản địa, khiêu vũ nhà thờ của Giáo Hội Công giáo La Mã, khiêu vũ từ nền văn hóa châu Âu do thực dân và thương gia mang vào, khiêu vũ từ nền văn hóa châu Phi do nô lệ mang đến. Tất cả các nền văn hóa này tác động và pha trộn lẫn nhau theo từng thời kỳ trong suốt thời gian dài. Nhưng từ thế kỷ 19 trở đi, qua nhiều sự biến đổi, các quốc gia châu Mỹ-Latin đã dần dần xác lập được nền văn hóa của họ - nền văn hóa Mỹ-Latin - trong đó có khiêu vũ.

Trong phạm vi chủ đề này, bài viết sẽ sắp xếp thứ tự theo các nền văn hóa trong từng giai đoạn với mục đích phần nào nói lên một cách khái quát những đặc tính của nền văn hóa khiêu vũ Latin.

Văn hóa bản địa

Vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, các nhà thám hiểm từ vương quốc Iberia (Bồ Đào Nha) và vương quốc Castile (Tây Ban Nha) đã đến được Tây bán cầu và tìm thấy các bộ tộc sinh sống ở đây mà trước đó chưa từng được biết. Các bộ tộc này có nền văn hóa riêng của họ. Họ sau đó bị chết dần mòn do bệnh tật, do thiếu ăn, do bị lao động cưỡng bức quá sức trong thời kỳ bị nô lệ, do chiến tranh, và nền văn hóa của họ bị mất dần đi. Ở các đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, có rất ít người bản địa còn sống sót. Chỉ có trên đất liền, người bản địa với dân số đáng kể đã biết bảo vệ cộng đồng của họ để sinh tồn.

Về nền văn hóa bản địa của các bộ tộc này, có một vài nhà nghiên cứu châu Âu đã tìm hiểu và ghi ghép lại, cụ thể là âm nhạc và các điệu nhảy mà họ quan sát được trong các nghi lễ thờ cúng.

Nhảy múa bản địa thời kỳ xa xưa - khi mà vùng đất Mỹ-Latin chưa bị xâm chiếm và bắt làm nô lệ - là nhảy múa trong các lễ hội cúng tế. Người bản địa xem nhảy múa như là một yếu tố quan trọng cần có trong việc cúng tế. Các điệu nhảy thường diễn tả về các lực siêu nhiên như thần thánh hoặc linh hồn động vật. Họ tổ chức các buổi lể cúng tế vì tin tưởng nó có thể ngăn chặn các thiên tai xảy ra.

Những bộ tộc có nền văn minh vĩ đại như người Aztec (vùng giữa Mexico) và người Inca (vùng Peru ngày nay) thường tổ chức nhiều nghi lễ phức tạp theo lịch hàng năm, và nhảy múa là điều phải có trong các nghi lễ này.

Các điệu nhảy của người Inca như "qamili" ở các vùng Maca và Cabanaconde có số lượng lớn vũ công có trang phục đặc biệt và một giàn nhạc lớn. Một biến thể của nó là lễ hội Saratarpuy để kỷ niệm ngày bắt đầu vụ mùa trồng ngô với hy vọng sẽ có một vụ thu hoạch tốt. Còn trong lể hội kiyu-kiyu biết ơn thần mưa, các nhóm vũ công đi khắp đường phố, dẫn đầu là vị tộc trưởng, họ ca hát và nhảy múa dưới mưa.

Hình ảnh
Điệu nhảy vòng tròn của người Aztec


Điệu nhảy của người Aztec có cấu trúc quy định sẵn và phải nhảy đúng như vậy. Giới tu sĩ có nhiệm vụ đào tạo những người trẻ tuổi thành các vũ công và tổ chức các lễ hội hàng năm. Các lễ hội Aztec thường tập trung một số lượng lớn vũ công, sắp xếp và di chuyển theo các mô hình có biểu tượng hình học. Trong các điệu nhảy này, chiến đấu là chủ đề chính. Các vũ công nam với vũ khí trong tay - cá nhân hoặc tập hợp thành nhóm - biểu diễn cuộc chiến đấu giữa các vị thần hoặc giữa các chiến binh Eagle (đại bàng) và chiến binh Jaguar (báo). Nhảy múa có thể kéo dài hơn một ngày để kiểm tra sức chịu đựng và niềm tin của các vũ công.

Hình ảnh
Chiến binh EagleChiến binh Jaguar


Ở một số các lễ hội, các vũ công di chuyển vòng quanh để thể hiện các tinh tú trên trời đang xoay theo chu kỳ một năm và một thế kỷ của nó. Ở những lễ hội khác, các vũ công mô tả người trồng trọt đang lao động trên các luống đất. Trong lễ hội "danza de los voladores" - một trong những lễ hội của các bộ tộc vùng mesoamerica hiện nay còn sống sót ở Mexico and Guatemala - theo truyền thống, có 4 vũ công nam leo lên một cột cao khoảng 30m, dùng dây thừng treo người vào cột rồi thả lộn ngược người rơi xuống đất. Mỗi người lộn xuống đất 13 lần, như vậy tổng cộng cho 4 người là 4 x 13 = 52 vòng. Theo tín ngường của dân tộc Aztec, 52 năm là một chu kỳ lịch. Cũng có một biến thể khác là có 5 vũ công leo lên cột, một người đứng trên đỉnh cột nhảy múa thổi sáo và đánh trống trong khi đó bốn người kia lộn ngược người xuống đất.

Hình ảnh
Lễ hội danza de los voladores



Hình ảnh
Điệu nhảy truyền thống của vùng Nayarit (Mexico)



Ảnh hưởng nghi thức nhà thờ

Tổ chức Giáo hội Công giáo La Mã cũng đồng hành với các nhà thám hiểm Iberia đến các vùng đất mới của chây Mỹ-Latin. Với các nghi thức, giáo lý và quan điểm về thế giới của họ, Giáo hội Công giáo La Mã đã tích hợp với chủ nghĩa thực dân để quản lý các lãnh thổ thuộc địa của Tây Ban Nha. Sau khi thời kỳ dùng vũ lực để xâm chiếm, đế quốc bắt đầu cai trị bằng các công cụ văn hóa như âm nhạc, khiêu vũ, lễ hội. Bằng các công cụ văn hóa này họ có thể chuyển đổi văn hóa của dân chúng và kiểm soát xã hội. Các tu sỉ truyền giáo đóng vai trò quan trọng trong việc này.

Các linh mục Công giáo và các tu sĩ dòng Tên, dòng Phan-xi-cô, dòng Đa-Minh, dòng Augustinô, dòng nữ tu Ca-mê-lô đã cho phép, thậm chí còn khuyến khích dân bản địa tiếp tục các nghi lễ thờ cúng của họ, và sửa đổi nó để có thể thích hợp với các lể hội của các vị thánh Công giáo. Dân bản địa cũng dần dần thích nghi với các lễ hội Công giáo mới tại các địa điểm mới, thường diễn ra ở trước nhà thờ hoặc ở các địa điểm linh thiêng.

danza de Moros y Cristianos
Dưới ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo La Mã, điệu nhảy phổ biến nhất ở châu Mỹ-Latin lúc này đã bị ảnh hưởng theo điệu nhảy "danza de Moros y Cristianos" (điệu nhảy nói về người Moors và người Kitô) thực hiện trong các lễ hội tôn giáo lớn ở Tây Ban Nha thời trung cổ. Đây là loại khiêu vũ có dạng kịch tôn giáo đường phố, miêu tả sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác với sự kiện lịch sử như sau: Trong thế kỷ thứ 8 người Moors đã mang Hồi giáo từ Bắc Phi đến Tây Ban Nha, và dân Kitô ở Tây Ban Nha đã chiến đấu chống lại họ. Đến năm 1492 thì vùng Aragon và Castile đã trục xuất hết những người Hồi giáo còn sót lại. Trong cuộc thánh chiến này, kịch tôn giáo đường phố ví người Kitô là biểu tượng của cái thiện trong khi người Moors tượng trưng cho cái ác.

Khi loại khiêu vũ kịch này du nhập vào Trung Mỹ và Peru ở thế kỷ 16 thì nó được sửa đổi lại như sau: người Tây Ban Nha tượng trưng cho cái thiện - chiến đấu chống lại người da đỏ bản xứ - tượng trương cho cái ác. Loại khiêu vũ kịch này tồn tại khắp châu Mỹ-Latin, chúng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, như "danza de la conquista", "danza de los Moros", "marujada" (ở Brazil), và "danza de Santiago".

Lúc này, các điệu nhảy pha trộn với loại khiêu vũ kịch ở trên đã trở thành một phần của lễ hội tôn giáo thuộc địa.

Hình ảnh
Điệu nhảy trong lễ hội Moros y cristianos ở Guatemala.
Vũ công diễn tả người Moor bên phải và người Ki-tô bên trái


Các đạo luật về kịch nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức giải trí và xây dựng nền văn hóa thuộc địa. Ở Mexico, vui chơi giải trí được biết đến như "mitotes" (tiếng Nahuatl có nghĩa là nhảy múa). Mitotes đã sử dụng cả kịch hành động Tây Ban Nha - có thoại rất nhiều, lẫn điệu nhảy truyền thống bản địa Aztec và Chichimec mô tả các cuộc chiến đấu.

Các điệu múa vùng thuộc địa đã được đưa tới Tây Ban Nha và biểu diễn cho giới quý tộc xem. Mặc dù bị phai nhạt dần ở Tây Ban Nha trong thế kỷ 17, các trình diễn này đã trở thành mô hình cho các điệu nhảy nghi lễ ở châu Mỹ-Latin sau này. Ngày 25 tháng 7 là ngày tổ chức lễ thánh St. James (thánh bổn mạng của người Tây Ban Nha) trên khắp các vùng Mỹ-Latin nói tiếng Tây Ban Nha. Trong với các lễ thánh lớn này, người dân tổ chức các lễ hội truyền thống có nhảy múa để kỷ niệm trận chiến cổ xưa giữa các lực lượng đối lập. Lễ hội "los vejigantes" ở Puerto Rico và lễ hội "los tastoanes" ở Mexico là những thí dụ nổi bật. Trong cả hai lễ hội này có một bên là các kỵ binh Tây Ban Nha và bên kia là những người đeo mặt nạ đại diện cho các nô lệ châu Phi hoặc các người của cuộc kháng chiến bản địa.

Hình ảnh
Lễ hội "los vejigantes" ở Puerto Ricolễ hội "los tastoanes" ở Mexico


Ảnh hưởng nền văn hóa châu Âu

Các điệu nhảy thời thượng châu Âu

Tầng lớp thượng lưu châu Âu đến các vùng đất Mỹ-latin sinh sống cũng mang theo các vũ điệu thời trang của họ và phổ biến rộng rãi các điệu nhảy châu Âu này. Đây là các vũ điệu nhảy đôi ở tư thế mở, đôi nhảy không sát nhau - như minuet , allemande , zarabande, chaconne, galliard, pavane và volta.

Contredanse trong thập niên 1950
Trong thế kỷ 17 các điệu nhảy contredanse và các biến thể của nó như quadrille , lancer và cotillion cũng phát triển ở đây.

Contredanse là các điệu nhảy của người châu Âu, có các vũ hình được biên đạo rất phức tạp. Nó gồm nhiều cặp vũ công, đứng thành hai hàng, một bên nam một bên nữ. Đôi vũ công nhảy xong một đoạn sẽ nhường vị trí cho cặp vũ công khác tiến lên.

Contredanse phát triển rất nhanh chóng và trở thành khiêu vũ salon ở Mỹ-Latin trong thế kỷ 18. Thời trang khiêu vũ này phổ lên toàn bộ phổ xã hội. Các vũ công bản địa ở phía đông bắc Mexico đã dùng contredanse cho các điệu nhảy Matlachines truyền thống của họ trong các nghi lễ cúng tế.

Contredanse tiếp tục phổ biến khắp châu Mỹ-Latin và vùng Ca-ri-bê trong đầu thế kỷ 21. Rất dễ nhận ra điệu nhảy contredanse này trong hàng trăm các điệu múa do đặc trưng của nó là có các hàng hay các vòng tròn xen kẽ, và các bước dài sang phải- sang trái. Tại vùng biển Ca-ri-bê, Contredanse và Quadrille bao gồm các điệu nhảy Bele, Belair và Belen, cũng như Kadril và nhiều biến thể khác của Quadrille . Tại đông bắc Brazil, Contredanse đã trở thành Quadrilhas, các điệu múa truyền thống cho lễ hội St. John the Baptist ở São João vào ngày 24 tháng sáu. Các điệu múa này vẫn còn phổ biến ở vùng Đông Bắc, đến thế kỷ 21 Quadrilha được tổ chức thi đấu hàng năm ở mỗi bang và toàn quốc.


The-official-dance-of-festa-Junina-Quadrilha.jpg

Lễ hội Quadrilhas ở Brazil


Thêm nữa, trong suốt thế kỷ 19 khi cuộc đấu tranh giành độc lập ở châu Mỹ-Latin nổ ra, các điệu nhảy với đôi nhảy ôm nhau, đặc biệt là Waltz, Schottische và Polka của châu Âu đã du nhập vào châu Mỹ-Latin và trở thành thời thượng trong xã hội quý tộc. Do đôi nhảy ôm nhau trong suốt thời gian nhảy, các điệu nhảy này bị coi là có hành vi dâm dục không đạo đức. Rồi dần dần, sự tiếp xúc gần gủi của đôi nhảy cũng được xã hội chấp nhận và điệu nhảy trở nên phổ biến. Các điệu nhảy này lan rộng đến các vùng nông thôn, nơi mà hầu hết những người sinh sống ở đây là người bản địa gốc châu Phi. Và tại đây, động tác lắc hông - được xem như rất gợi dục - của châu Phi được thêm vào, rồi vì vậy mà một lần nữa điệu nhảy này lại vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức của Giáo hội Công giáo La Mã thời bấy giờ.


Điệu nhảy Waltz trong thế kỷ 19


Các điệu nhảy dân gian châu Âu

Ngoài các điệu múa lễ nghi dùng trong các lễ hội, các điệu múa dân gian cũng đã phát triển rất phong phú và đa dạng khắp châu Mỹ La tinh, từ địa phương cho đến cả nước. Nhiều điệu múa dân gian này có nguồn gốc từ hai điệu nhảy là fandango và seguidilla.

Điệu nhảy fandango trong thế kỷ 18
tranh của họa sĩ Pierre Chasselat
Fandango và seguidilla là hai điệu nhảy dân gian Tây Ban Nha, rất nổi tiếng trong thế kỷ 18, ở hai điệu nhảy này, đôi nhảy ôm nhau nhảy khắp mặt sàn. Sàn nhảy thường là "patio" (sân trong nhà nhưng không có mái che của người Tây Ban Nha). Xã hội lúc đó ngăn cấm các đôi nhảy sát nhau, do vậy họ giữ một khoảng cách khoảng nửa mét giữa hai người và duy trì kết nối nhau bằng cách cùng nhau di chuyển và nhìn nhau. Mở đầu điệu nhảy thường bao gồm một "paseo de Salida" (đôi nhảy đi cạnh nhau trong tư thế promanade ) với một "y vuelta colocación" (xoay người để vào đôi). Phần tiếp theo bao gồm một "adorno" (các bước ngẫu hứng yêu thích). Cuối cùng là "exaltación", đôi nhảy tách xa nhau và thực hiện nhiều động tác xoay. Vớ Seguidilla Tây Ban Nha thì sau khi thực hiện các cú xoay, đôi nhảy kết thúc với một "bien parado" (tư thế cuối cùng) nghĩa là đôi nhảy đứng cạnh nhau hay đối mặt nhau.

Fandango và seguidilla du nhập châu Mỹ-Latin do các binh lính, thương gia, và các nhóm nghệ sĩ lưu diễn. Họ đã giới thiệu các điệu nhảy này đến các tầng lớp trung lưu và dân dã ở Mỹ-Latin. Chủ đề trong các điệu nhảy này bao gồm những câu chuyện giải trí hay tán tỉnh. Đôi nhảy không được sát nhau. Khăn tay, quạt, váy dài được sử dụng để tạo thêm vẻ đẹp cho điệu múa. Các tư thế của fandango và seguidilla được mô tả là "asentado": vũ công giữ gối mềm trong khi thân trên thẳng đứng. Tư thế này mô tả dáng vẻ thân thể về những công việc hàng ngày trong nông nghiệp và chăn nuôi.

Điệu nhảy seguidilla
Từ "fandango" tồn tại ở châu Mỹ-Latin, nhưng theo thời gian ý nghĩa nó cũng thay đổi và cuối cùng được sử dụng để chỉ một bữa tiệc khiêu vũ hoặc một cuộc hội họp tập thể. Từ "seguidilla" đã được thay đổi thành "bailes de tierra (“điệu nhảy của đất”) hay "sonecitos del país" (điệu nhảy của miền đất nhỏ bé).

Fandango và Sonecitos del país có nhịp 3/4, được gọi là "paseo", hoặc nhịp 6/8, được gọi là "zapateado". Vũ công nhảy "zapateado" với tư thế asentado: gối cong nhưng giữ thân trên từ hông trở lên thẳng đứng. Các điệu nhảy Mỹ Latin hay chùng gối hạ thấp người để mô tả phóng đại công việc nặng nhọc trong trồng trọt chăn nuôi hằng ngày.

Điệu nhảy mở đầu với một màn đi xung quanh sàn nhảy trong tư thế promanade. Sau đó, đôi nhảy đối mặt nhau, chờ nhạc để vào bước nhảy đầu tiên. Trong suốt điệu nhảy, đôi nhảy thay đổi luân phiên giữa paseo và zapateado, thường xuyên xen vào các bước xoay để cho điệu nhảy đẹp hơn. Họ chỉ nhảy ở một chỗ cho đến khi có đoạn nhạc báo hiệu cả hai đổi cho nhau. Trong thời gian đổi chỗ này, đôi nhảy mặt đối mặt, sát nhau như có thể trao nhau một nụ hôn. Ở cuối điệu nhảy, đôi nhảy sẽ xoay và kết thúc trong tư thế đứng cạnh nhau hay đối diện nhau. Các điệu nhảy này có vũ hình đẹp, nhưng cần nhiều không gian cho sự ngẫu hứng - thường có trong giai điệu zapateados - như xoắn và gập người, nghiêng đầu, vung váy hay những động tác vãy khăn.


Điệu nhảy "Jota" cũng được cho là có đóng góp lớn vào các điệu múa dân gian của châu Mỹ-Latin. Jota là điệu nhảy dân gian của người Tây Ban Nha, có nhịp 3/4, khi nhảy giơ cao cánh tay, vũ công sẽ búng ngón tay hoặc dùng castanet (một loại nhạc cụ gõ ) để gõ phách, có các bước nhảy sống động xen kẽ với các cú xoay nhanh. Mặc dù dân châu Mỹ-Latin không được sử dụng castanet, nhưng jota rõ ràng là nền tảng của nhiều điệu nhảy đôi ở đây, như điệu nhảy "jaranas" của miền Yucatán ở Mexico, "tiranas" của Argentina, và "jota Tapatío" của miền Jalisco ở Mexico.


Điệu nhảy Jota



Ảnh hưởng nền văn hóa châu Phi

Từ giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, hàng triệu người da đen châu Phi ở các khu vực Tây và Trung Phi bị bắt và đưa vào Mỹ-Latin làm nô lệ. Họ đến và mang theo nền văn hóa châu Phi, đặc biệt là nhảy múa.

Các điệu nhảy Phi Châu có những đặc điểm rất dễ nhận biết:

  • hông và đầu gối cong và mềm;
  • chuyển động bắt nguồn hông rồi dợn sóng ra tay chân;
  • có các chuyển động của vai, sườn, và hông độc lập nhau;
  • thân trên nghiêng về phía trước;
  • bước chân phẳng trên toàn bàn chân chứ không bước trên mũi chân hay gót chân;
  • có các bước sáng tạo tự phát.
  • âm nhạc thường là polyrhythm

Polyrhythm là gì?

Polyrhythm, còn được gọi là Cross rhythm, là cùng một lúc sử dụng nhiều nhịp điệu trái ngược nhau. Thí dụ đơn giản nhất với 2 nhịp điệu, polyrhythm có hai nhịp điệu độc lập chơi cùng một lúc. Nhịp điệu ba nốt đều nhau chơi cùng lúc với nhịp điệu có hai nốt trong cùng một lượng thời gian.

Nghe polyrhythm với 2 nhịp điệu 2-3 hay 2 nhịp điệu 3-4.

[youtube1s]zoksM7mOesg[/youtube1s]

[youtube1s]v8upXAChK-g[/youtube1s]


Hoặc polyrhythm với 2 nhịp điệu 3-5 hay 4 nhịp điệu 2-3-5-7

[youtube1s]jOcGddkLYLM[/youtube1s][youtube1s]3q-dIMaYBDY[/youtube1s]


Các điệu nhảy của dân gốc Tây Phi thì chủ yếu cho cơ thể theo hướng đi xuống, nghĩa là cho thấy như bị trọng lực kéo xuống, có đầu gối cong, thân trên nghiêng về phía trước. Nó trái ngược với phong cách thẳng đứng và cứng rắn hơn của các vũ điệu đế quốc mang đến từ bán đảo Iberia của Tây Ban Nha.

Qua thời gian, các điệu nhảy của họ đã pha trộn vào bailes de salón (các điệu nhảy salon trong giới thượng lưu) và bailes de tierra (các điệu nhảy dân gian của giới bình dân). Đây là hai điệu nhảy có nguồn gốc của điệu fandango với đôi nhảy không sát nhau và đang là các điệu nhảy đang phát triển ở Mỹ latin lúc đó.

Nô lệ châu Phi có ảnh hưởng lớn nhất lên khắp vùng Ca-ri-bê do ở đây họ chiếm một tỷ lệ lớn dân số. Họ sống bằng nghề trồng trọt, đặc biệt là trồng mía và cà phê. Còn ở Mexico và khu vực xung quanh vùng núi Andes, họ có ít ảnh hưởng hơn. Văn hóa châu Phi ảnh hưởng nhiều lên các cảng quốc tế như Havana (Cuba) và Rio de Janeiro (Brazil), rồi từ đó lan rộng ảnh hưởng đến toàn thể các nước như Cuba, Brazil, Colombia, Venezuela và các nước khác.

Dưới ảnh hưởng của châu Phi, các vũ điệu châu Mỹ-Latin pha trộn thêm nhiều yếu tố, đặc biệt là việc lắc hông và có tính gợi dục nhiều hơn. Các điệu nhảy cũng trở nên hài hước và có cách tán tỉnh lộ liễu hơn. Lúc này vũ công phải kết hợp nhiều động tác hơn: lắc hông, rung vai, nhấc chân và ngồi xuống...

Các nhạc cụ gõ nhịp của châu Phi cũng được thêm vào giàn nhạc của "bailes de tierra" (gồm đàn harp, đàn violin và đàn guitar) . Âm nhạc đa nhịp điệu (polyrhythm) và dịch phách của châu Phi làm cho các điệu nhảy trở nên phức tạp hơn.

Trong các cộng đồng có gốc châu Phi thì các điệu múa nghi lễ là cơ chế sống còn của họ khi phải đối mặt với sự đàn áp, sự tàn bạo và nạn phân biệt chủng tộc. Điệu múa kích thích tinh thần quần chúng, tạo sức mạnh cho cuộc đấu tranh gian khổ lâu dài. Trong các tôn giáo như Santeria ở Cuba, tôn giáo Candomblé ở Brazil, và tôn giáo Vodou ở Haiti, thì các điệu múa nghi lễ Afro-Latino còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, nó là một phương tiện để thoát khỏi sự căng thẳng và là một cách để khôi phục lại tinh thần và sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.

Điệu nhảy của các quốc gia Mỹ Latin(1800-1940)

Sư pha trộn giữa các điệu nhảy gốc Iberia cùng với phong cách chuyển động Châu Phi vào các điệu nhảy bản địa đã tạo nên một kỷ nguyên rộng mở cho sự phát triển của các vũ điệu Mỹ-Latin. Khi các dân tộc đấu tranh và giành được độc lập, họ đã thành lập các nước cộng hòa mới, sử dụng âm nhạc và nhảy múa như là biểu tượng của sự đoàn kết và thách thức đế quốc. Nhảy múa giúp dân chúng hợp nhất và tạo ra một bản sắc dân tộc mới. Mặc dù có nhiều điệu múa khác nhau, nhưng hầu hết các điệu nhảy Mỹ-Latin là các điệu nhảy đôi, sát nhau hoặc không sát nhau. Nhà sử học người Mỹ, ông John Charles Chasteen, đã gọi các điệu nhảy này là “dance-of-two” (điệu nhảy của hai người).

Peru và Mexico, sonecitos del pais đã trở thành biểu tượng của các điệu nhảy lễ hội pha trộn đang phát triển (pha trộn từ người bản địa, châu Âu và châu Phi). Tại Lima, thủ đô của chính quyền thuộc địa Peru đã sản sinh ra điệu nhảy pha trộn "zamacueca" và nó nhanh chóng trở thành điệu nhảy thống trị ở châu Mỹ-Latin trong thế kỷ 19.

- Ảnh hưởng của Tây Ban Nha lên các điệu nhảy gồm: thân trên thẳng đứng, diễn với chiếc khăn tay, đệm nhạc bằng guitar và đàn harp và sử dụng của tiếng Tây Ban Nha trong lời hát.

- Trong âm nhạc của zamacueca có ảnh hưởng bản địa là việc sử dụng âm điệu thứ (minor), một đặc trưng của âm nhạc bản địa.

- Ảnh hưởng châu Phi gồm việc đong đưa là lắc hông, nén sườn, và việc sử dụng bộ gõ Cajon (một hộp gỗ khá lớn được gõ bằng tay).

Hình ảnh
Cajon


Khi các nước cộng hòa vùng núi Andes thoát khỏi sự cai trị của Tây Ban Nha và tạo nên các quốc gia riêng độc lập, "zamacueca" có những cái tên mới. Ở Chile và Bolivia, nó được gọi là "cueca", ở Argentina, nó gọi là "zamba". Tại Peru, nó đổi thành "la marinera" để tưởng nhớ các hải quân Peru và các anh hùng người đã chết trong các trận đánh tàn khốc dọc biên giới Peru và Chile trong chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883).

Hình ảnh
Dân chúng nhảy Cueca trong năm 1906.

Hình ảnh
Đôi nhảy Argentina nhảy Zamba trên đường phố


Trong hầu hết các biến thể của điệu nhảy zamacueca, cả vũ công nam và nữ đều sử dụng một chiếc khăn tay để động tác thêm nhịp nhàng và gửi thông tin đến bạn nhảy. Nếu người nữ muốn làm dịu đi đam mê quá độ của người nam, cô để chiếc khăn tay lên trước mặt. Nếu người nam muốn cám dỗ người nữ, người nam sẽ quấn chiếc khăn tay qua vai người nữ rồi từ từ kéo nó trượt đi.

Zamacueca phát triển mạnh hơn trong thời kỳ cơn sốt vàng ở California (năm 1849 và một vài năm sau đó). Các hải cảng vùng Thái Bình Dương của Mexico là điểm dừng chân của các tàu bè Chilê khi họ đi về hướng bắc. Thủy thủ Chilê mang điệu nhảy "cueca chilena" của họ - mà sau đó ở Mexico gọi đơn giản là "chilena" - đến các bang Oaxaca và Guerrero của Mexico. Các điệu nhảy ở Mexico thường nói về cuộc chinh phục đầy đam mê của con gà trống lên con gà mái, với chiếc khăn tay màu đỏ của người nam biểu tượng mào gà. Khi nhảy, người đàn ông ra hiệu đổi hướng cho người nữ bằng cách vãy nhẹ chiếc khăn tay. Còn với tay không có khăn, người nam giữ thấp nó xuống làm như cánh con gà trống xòe ra khi ve vản con gà mái, rồi đi vòng quanh người nữ (như con gà trống đi quanh con gà mái) để đưa cô ấy dưới cánh tay của mình (rồi ôm cô ấy). Điệu nhảy kết thúc với một bước "zapateado" bắt chước con gà trống cào đất để tìm mồi. Động tác này nhằm thuyết phục người nữ đến gần hơn để người nam có thể kết thúc cuộc chinh phục. Âm nhạc chơi bằng bộ nhạc cụ "chilenas" gồm violin, guitar, đàn harp và bộ gõ cajon.

Điệu nhảy jarabe ở lễ hội Cinco de Mayo (ngày 5 tháng 5) ở Los Angeles 1952
Tại các khu vực khác của Mexico vào giữa thế kỷ 18, "sonecitos del pais" phát triển thành "son" và "jarabe", nổi tiếng nhất trong số đó là "jarabe nacional" (đã trở thành khiêu vũ chính thức của Mexico vào năm 1921). Điệu nhảy này được nhiều người Bắc Mỹ biết đến như là “Mexican hat dance,” (điệu nhảy mũ Mexico), và tên này sau đó được đổi thành "điệu nhảy Mexico".

Sau năm 1810 khi Mexico giành được độc lập từ Tây Ban Nha, các vùng tự trị phát triển điệu nhảy "son" và nó xem như "bailes regionales" (điệu múa khu vực). Trong các lễ hội hacienda (lễ hội về trồng trọt) và ranche (lễ hội về chăn nuôi), người ta dựng một sàn gỗ "tarima" cho các vũ công "son" nhảy. Còn ở Mexico City và Puebla người ta chơi và nhảy múa "son" trong các quán rượu. Tuy nhiên Giáo hội Công giáo La Mã nhanh chóng lên án "son" và "jarabe" lúc bấy giờ vì tính cách gợi dục của nó.

Tư thế trong điệu nhảy maxixe
Điệu nhảy "hai người" của Mỹ-Latin với đôi nhảy sát nhau bắt chước theo điệu nhảy "waltz" và "polka" của châu Âu và được biến đổi trong cộng đồng Afro-Latino (Mỹ-Latin gốc châu Phi).

Cuối cùng thể loại nhảy "hai người" này còn có thêm điệu habanera, milonga, maxixe và danzón. Do có chuyển động hông được thêm vào, cho dù chỉ lắc nhẹ như trong điệu "danzón" của Cuba hoặc cọ sát hông và quấn chân nhau như trong điệu "maxixe" của Brazil, các điệu nhảy "hai người" của Mỹ Latin trong đầu thế kỷ 20 được xem là xấu xa và gợi dục.

Tóm lại, các điệu múa của dân bản địa Mỹ Latin có đặc trưng với các chủ đề chiến đấu giữa các vị thần, có lượng lớn các vũ công tham gia và được sắp xếp theo các dạng hình học. Rồi Công Giáo La Mã đến đây truyền giáo đã đem loại kịch đường phố pha trộn thêm vào, và biến những chủ đề chiến đấu giữa các vị thần thành cuộc chiến đấu giữa các thiện và cái ác. Trong thời kỳ thực dân Tây Ban Nha đến đây cai trị và mang theo nhiều nô lệ da đen, họ mang đã đến đây hai nền văn hóa châu Âu và Châu Phi. Văn hóa Châu Âu đã bổ xung vào Mỹ Latin nhiều điệu nhảy nổi tiếng, phong cách chơi với dáng người thẳng đứng trong khi văn hóa Châu Phi đem đến Mỹ Latin phong cách nhảy múa và âm nhạc đặc thù của nó, như chuyển động hông và âm nhạc đa điệu (polyrhythm) với các nhạc cụ gõ đặc biệt.

Bài viết với những giới thiệu ngắn gọn về các điệu nhảy Mỹ Latin như trên không thể mô tả được hết bản sắc các điệu múa của các quốc gia và các nhóm văn hóa trong vùng. Có một điều rất đúng là khiêu vũ ở châu Mỹ Latin rất thịnh hành, người ta có thể nhảy múa gần như ở khắp mọi lúc, mọi nơi, và hầu như bất cứ người nào cũng có thể nhảy được các vũ điệu La tinh này.

docco 2012

Re: Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Gửi bàiĐã gửi: Tháng mười hai 02, 2012, 2:34 pm
gửi bởi docco

Các điệu nhảy Cuba trong thời kỳ 1800-1940



Các điệu nhảy dân gian

map-of-cuba.gif


Trong thời kỳ thuộc địa, các tàu Tây Ban Nha dừng lại ở Havana để kiểm kê và đóng thuế hàng hoá. Các tàu này sau đó đi đến điểm đến cuối cùng như Buenos Aires (Argentina), San Juan (Puerto Rico) hoặc các cảng khác. Khi trở về Tây Ban Nha, họ cũng lại dừng ở Cuba để kiểm tra và đóng thuế. Nhờ vậy, Havana trở thành một trung tâm trao đổi văn hóa, các điệu nhảy ở Cuba rất phát triển.

Hình ảnh
Havana thời kỳ thuộc địa


Miguel Faílde
Điệu Habanera - một dạng contredanse như đã nói ở bài trước - vốn rất nổi tiếng ở Montevideo, Uruguay, có các bước nhảy được đếm "1, 2, và" theo nhịp 2/4, đã trở nên phổ biến ở Havana. Rồi trong thế kỷ 19 và 20, các điệu nhảy ở Cuba như habanera, danzón, son (không phải son của Mexico), cha-cha-cha và mambo lại tiếp tục lan rộng đến khắp các nước châu Mỹ-Latin khác.

Điệu "danzón", một biến thể của điệu habanera ở Cuba, được cho là một sáng tác của Miguel Faílde, một người Cuba chơi kèn cornet. Ông sáng tác bài "Las Alturas de Simpson" (1879). Faílde có cha là người Tây Ban Nha và mẹ là người Châu Âu gốc Phi, đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc khi chơi cho bailes de color (điệu nhảy của người da màu). Ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong tầng lớp trung lưu Criollos (Creoles), dòng dõi của người Cuba gốc châu Âu, những người đã chiến đấu bên cạnh người da đen Cuba trong cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha để giành độc lập (1868-1878). Tầng lớp Creoles này ưa thích những biểu hiện của sự nổi loạn chống lại Tây Ban Nha, một trong số đó là họ đã chấp nhận âm nhạc và điệu nhảy có nguồn gốc da đen. Họ xem danzón như một nghệ thuật đánh dấu sự tách biệt ra khỏi ách thống trị thực dân và sự xuất hiện của một Cuba độc lập.



Sang thế kỷ 20, danzón gần như là điệu nhảy quốc gia của Cuba. Danzón trở thành khuôn mẫu để giao tiếp trên hấu hết các sàn nhảy. Khi người ta đã quen dần với việc các tư thế ôm sát nhau trong waltz, polka và schottische, thì danzón cũng cho phép các đôi nhảy được sát nhau hơn, làm cho nó có chuyển động mượt mà hơn. Ngoài việc bây giờ các đôi nhảy ôm sát nhau, hông lắc lư, chiếm ít không gian sàn nhảy tạo cho danzón có các đặc trưng: đôi nhảy không cách nhau quá 10cm, chỉ nhảy trên một viên gạch sàn duy nhất (ladrillo), và lướt chân trên sàn khi bước ngắn (khoảng 5 cm). Đôi nhảy thực hiện luân phiên các bước cơ bản và paseos (đi promenade) hoặc descansos (bước nghỉ, cho phép các vũ công một chút thời gian để dừng lại, lắng nghe dàn nhạc, trò chuyện và xem những người khác xung quanh).


Điệu nhảy Danzón


Vào thập niên 1920, điệu nhảy danzón kết hợp thêm các đặc tính Afro-Cuba: có chuyển hông, thêm vào tornillo (nam pivot trên một chân) và bỏ đi các bước nghỉ descanso. Và như vậy, nó đã được biết đến với cái tên mới là "Cuban Son". (không nên lầm lẫn với điệu nhảy Mexico Son). Từ đây bộ gõ clave cũng trở nên phổ biến cùng với trống bonga.

Hình ảnh
Bộ gõ clave


Người Cuba đã phát hiện âm thanh độc đáo của một loại gỗ cứng sử dụng để đóng tàu khi gõ vào nhau, và họ đã tạo ra bộ gõ clave. Clave là một cặp gỗ hình trụ mà khi gõ vào nhau sẽ tạo ra một âm thanh có âm vực cao hơn tất cả các nhạc cụ khác. Clave là nhạc cụ cơ bản để giữ nhịp của Cuban Son và các bước nhảy.



"Cuban Son" chính là một trục xương sống để từ đó sản sinh một loạt các điệu nhảy khác rất thịnh hành phát triển giữa thế kỷ 20: mambo, son casino, casino rueda, rumba... trong đó có điệu nhảy nổi tiếng Salsa.

Dámaso Pérez Prado
Trong những năm 1940, điệu Mambo được biết đến như là một sự kết hợp giữa "Cuban Son" và "Swing". Nhạc sĩ người Cuba, ông Pérez Prado được cho là có công trong việc này. Ông ta đã giới thiệu mambo tại night-club "La Tropicana" ở Havana vào năm 1943. Kể từ đó các ban nhạc Mỹ Latinh nổi tiếng khác như Tito Rodriquez, Pupi Campo, Tito Puente, Machito và Xavier Cugat đã biến đổi theo phong cách riêng của mình và tạo nên các cơn sốt Mambo. Mambo được chơi theo nhịp điệu 4/4.

Đến 1950, điệu Mambo được biến đổi thành điệu Cha-cha-cha với sự kế thừa các bước chân và cách đếm "1, 2, 3, 4 và 1" của Cuban Son.

Về sau này, trong những năm 1980, điệu "Son casino" bùng nổ trên các sàn nhảy Havana và chiếm lĩnh đến cả các bãi đậu xe bãi biển. Điệu "son casino" có các bước nhảy nhanh hơn và có đặc trưng xoay nhiều vòng. Rõ ràng nó có liên quan với điệu Salsa của New York, Hoa Kỳ.

Salsa là điệu nhảy phổ biến ở New York vào thập niên những 1940 và 1950 nhưng đến năm 1960 mới chính thức có tên gọi là Salsa. Đến năm 1970 Salsa trở thành điệu nhảy nổi tiếng khắp châu Mỹ-Latin. Salsa là hậu duệ của điệu Cuban Son, có xuất xứ từ miền quê phía đông Cuba và lan đến cảng Havana từ những năm 1900. Salsa với đặc trưng là có chuyển động hông sôi động vào các phách mạnh, là một sự kết hợp pha trộn của Cuban Son và nhạc Jazz với biên đạo của những người Puerto Rico sống ở New York.

Ở Colombia và Venezuela, salsa được xem là biểu hiện và là bản sắc của các vùng tự trị. Vũ công Salsa liên tục thay đổi các bước để tạo ra những cái mới, và họ thường thi đấu với nhau cho vui. Salsa đã phá vỡ những rào cản của chủng tộc và giai cấp để trở thành hình tượng của niềm tự hào và tâm hồn cao thượng của toàn thể cộng đồng Mỹ-Latin. Vào thế kỷ 21, salsa được coi là 'nhịp điệu thế giới", khi nó có nhiều thể loại âm nhạc và bước nhảy phổ biến khắp thế giới.

Rumba, còn được viết là rhumba, cũng là một hậu duệ của Cuban Son cũng rất phổ biến ở đầu thế kỷ 20. Với các chuyển động hông tinh tế, điệu rumba được nhảy vũ hình cơ bản gồm của hai bước nhanh sang bên và một bước chậm về phía trước. Ba bước này được thực hiện trong một khuôn nhạc theo nhịp điệu 4/4 chơi dịch phách.

Hình ảnh
Rumba nhảy bởi Carole Lombard và George Raft trong phim Rumba, 1935

Tuy điệu Son đã là điệu nhảy quốc gia của Cuba từ đầu thế kỷ 20 nhưng sau cuộc Cách mạng Cuba xảy ra năm 1959, Fidel Castro lại chỉ định Rumba làm điệu nhảy chính thức của đất nước bởi vì trong nó có nhiều di sản của nền văn hóa châu Phi. Đối với chính quyền Fidel Castro thì có hai thứ quan trọng nhất: một là cuộc Cách mạng Cuba và hai là di sản của nền văn hóa châu Phi lên Cuba.

Rumba có ba dạng khác nhau: yambú, guaguancó và columbia. Trước phần nhảy rumba, có một khúc nhạc dạo đầu gọi là "diana" để thiết lập tính chất điệu nhảy: lãng mạn thì nhảy yambú, gợi dục thì nhảy guaguancó và thi đấu thì nhảy columbia.

Yambú là một điệu nhảy chậm chạp và trang trọng, người nam thường đóng vai già nua. Họ nhảy trong một vòng tròn của những người đánh trống conga, các ca sĩ, các vũ công chờ đến lượt nhảy và khán giả. Đôi nhảy hiếm khi chạm nhau, ngoại trừ khi người nam di chuyển về phía bên của người nữ và đặt tay lên vai cô. Họ duyên dáng hạ mình gần sát sàn nhà và sau đó trở lên lại.

Trong điệu guaguancó thì người nam và người nữ đối diện nhau, họ bước vòng quanh nhau với dáng vẻ rất gợi dục. Điệu nhảy này có một động tác đặc trưng là "vacunao", đó là động tác người nam hích khung chậu tới trước chạm vào bạn nhảy của mình. Để tránh, người nữ phải lập tức quay lưng lại và dùng váy che vùng sinh dục của mình lại.

Columbia là điệu nhảy solo của những người đàn ông, họ tiến vào vòng tròn và nhảy thi đấu với nhau. Họ có thể dùng nến đặt cân bằng trên đầu, cầm dao khi di chuyển xung quanh nhau, hoặc để trên sàn các vật như như chai lọ hoặc mũ nón, rồi thực hiện các động tác nhào lộn xung quanh. Là một điệu nhảy phổ biến, rumba thiết lập một môi trường vui chơi, thi đấu và thể hiện vẻ đẹp năng động.

Các điệu nhảy trong lễ hội

Trong các lễ hội của Cuba thì có rất nhiều điệu nhảy nghi lễ Afro-Cuba. Chúng được chia làm bốn nhóm chính do có nguồn gốc từ 4 nhóm nô lệ châu Phi bị đưa vào Cuba:
  • nhóm Kongo-Angola, đến từ miền tây Trung Phi
  • nhóm Arará, là con cháu của bộ tộc Fon từ Tây Phi và các bộ tộc châu Phi sống ở các vùng bây giờ gọi là Benin và Togo.
  • nhóm Yoruba phần lớn đến từ Nigeria.
  • nhóm Carabalí, đến từ vùng sông Calabar của Cameroon và Nigeria.

Lễ hội Santería ở Havana 2011.
Các lễ hội nổi tiếng nhất ở Cuba là các lễ hội của tôn giáo Santería (còn gọi là Lucumí) của nhóm Yoruba. Tôn giáo Santería là một pha trộn hỗn tạp giữa tín ngưỡng truyền thống châu Phi và tín ngưỡng của những người châu Phi theo Công giáo La Mã. Cả nam giới và nữ giới được ca hát và nhảy múa, nhưng chỉ có đàn ông mới được chơi trống Bata thiêng liêng trong các nghi lễ truyền thống. Những điệu gõ, bài hát, và điệu nhảy của người Santeria được xem là phương cách để làm hài lòng thần orishas và để mời các vị thần này tham gia vào buổi lễ. Nếu họ chấp nhận lời mời thì họ sẽ thể hiện lên cơ thể của các vũ công. Sự thể hiện này được gọi là "possession". Possession được báo hiệu khi một vũ công đột ngột phá bỏ sự lập lại các bước cơ bản, lao về phía trước hoặc rung người, và sau đó bắt đầu thực hiện các bước nhảy đặc biệt đặc trưng cho thần orisha. Thí dụ, khi thần orisha của đại dương là Yemanya gia nhập lễ hội, thì một nữ vũ công sẽ có "possession", cô bắt đầu nâng váy lên và làm cho váy chuyển động giống như các con sóng ngoài đại dương.

Các lễ hội khác của Cuba còn có lễ hội mùa hè ở thành phố Santiago vào mỗi cuối tháng bảy. Sự kiện này trước đây là ngày lễ của vị thánh bổn mạng của thành phố Santiago, vào ngày 25 tháng 7. Đến năm 1953, Fidel Castro dùng lễ hội này để ngụy trang và tấn công một đồn bót quân sự ở Santiago, gọi là chiến dịch "26 tháng 7". Và lễ hội Santiago cũng là lễ hội để kỹ niệm chiến dịch này. Lễ hội cũng trùng với thời điểm truyền thống cuối vụ thu hoạch mía. Tại lễ hội này, người ta có thể để xem các điệu nhảy truyền thống, chẳng hạn như conga và chancletas, có nguồn gốc từ thời thuộc địa. Conga là một điệu múa đi bộ, nhấn ở phách thứ tư của khuôn nhạc, các vũ công đi riêng lẻ hoặc theo nhóm, diễn hành qua các đường phố. Trong các nhóm diễu hành chính thức, các vũ công theo một vũ đạo conga đơn giản. Nhưng bản chất của điệu nhảy này thể hiện rõ nhất trong đám đông tự phát nhảy múa cùng với các nhạc sĩ qua các đường phố. Còn điệu nhảy chancletas thì sử dụng một loại giày gỗ đặc biệt để làm nổi bật tiếng nhạc bằng các động tác chân nhịp nhàng cùng các động tác hông qua lại. Cũng như conga, thoải mái và tự nhiên là đặc tính của điệu nhảy này.

Ngoài ra còn có lễ hội "Three Kings’ Day" của nhóm tôn giáo châu Phi "cofradías" - gọi là cabildos ở Cuba - diễu hành ngày 6/01 trong lễ Carnival đầu mùa lễ Lent của Công giáo. Đến chế độ xã hội chủ nghĩa của Fidel Castro, nhiều lễ hội của Giáo Hội Công Giáo La Mã ở Cuba đã bị loại bỏ, thí dụ tại Havana, lễ hội Carnival đã được tách ra khỏi lễ Lent (mùa Chay) và chuyển đến tháng Bảy. Tuy nhiên, niềm vui sướng mãnh liệt của quần chúng từ việc được nghỉ ngơi sau mùa vụ và được nhảy múa trên các đường phố vào ban đêm vẫn là điểm chính trong các lễ hội này.

Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Gửi bàiĐã gửi: Tháng mười hai 03, 2012, 12:07 am
gửi bởi docco



Các điệu nhảy của Cộng hòa Dominica và Haiti



Hispaniola, một đảo hai quốc gia.


Hình ảnh

Đảo Hispaniola có một lịch sử đầy biến động. Năm 1492 nhà thám hiểm Christopher Columbus đã ghé vào đảo Hispaniola. Thời kỳ này Hispaniola có 5 bộ tộc người người Taino sinh sống. Đứng đầu mỗi bộ tộc là mỗi vị lãnh chúa gọi là "cacique". Người Taino có dân số đông nhất trong vùng vịnh Ca-ri-bê. Khi thực dân đến Tây Ban Nha xâm chiếm, họ đã chiến đấu chống lại nhưng không thể lâu dài vì bệnh tật và cưỡng bức lao động đã giết hại rất nhiều người của họ.

Hình ảnh
Một làng của người Taino


Qua mấy thế kỷ đầy biến động, đảo Hispaniola hiện nay có 2 quốc gia: Cộng hòa Dominica chiếm 2/3 vùng phía đông của đảo Hispaniola, và Cộng hòa Haiti chiếm phần còn lại của đảo. Cộng hòa Dominicana là một quốc gia lớn thứ nhì (sau Cuba) ở vùng vịnh Ca-ri-bê. Tuy cùng nằm trên một đảo nhưng Dominica và Haiti lại có một lịch sử đầy mâu thuẫn và khác biệt.

Cộng hòa Dominicana

Năm 1496 thực dân Tây Ban Nha thiết lập vùng định cư đầu tiên ở Châu Mỹ Latin là Santo Domingo trên đảo Hispaniola (Santo Domingo sau này trở thành thủ đô của nước Cộng hòa Dominica). Họ khai thác mỏ và thành lập các đồn điền, đem nô lệ từ châu Phi đến để lao động.

Vùng đất phía đông (nay là Cộng Hòa Domenica), sau ba thế kỷ bị Tây Ban Nha cai trị, xen kẽ giữa các giai đoạn bị trị bởi nước thuộc địa láng giềng Saint-Domingue (Haiti) của người Pháp, Dominica giành độc lập năm 1821 nhưng chỉ một năm sau (1822) lại bị Haiti xâm chiếm. Đến năm 1844 thì Dominica cũng giành lại độc lập. Trong 72 năm tiếp theo (1844-1916) Dominica lại trải qua thời kỳ rối loạn chính trị và chế độ chuyên chế, và cũng có một thời gian ngắn trở lại thành thuộc địa của Tây Ban Nha. Năm1916, Dominica bị Hoa Kỳ chiếm đóng và đến năm 1924 thì rơi vào chế độ độc tài quân sự của Rafael Leonidas Trujillo Molina. Cuộc nội chiến xảy ra từ 1961 đến năm 1965, và kết thúc bằng sự can thiệp của Mỹ, rồi lại rơi vào chế độ độc tài của Joaquín Balaguer. Kể từ 1978, Cộng hòa Dominicana đã chuyển sang chế độ dân chủ.

Cộng hòa Haiti

Năm 1697 do suy yếu, Tây Ban Nha nhượng lại cho Pháp 1/3 vùng phía tây của đảo. Người Pháp đặt tên vùng này là Saint-Domingue (sau này là nước Cộng hòa Haiti). Họ cũng đem nô lệ châu Phi đến và lập các đồn điền trồng mía. Vùng này phát triển thịnh vượng trong thế kỷ 18, trong khi vùng thuộc địa Tây Ban Nha kế bên bị suy yếu dần. Trong thế kỷ 18, Saint Domingue xuất khẩu đường, ca cao, cà phê và là thuộc địa thịnh vượng nhất của Pháp tại châu Mỹ.

Từ 1791 đến 1794, cách mạng giải phóng nô lệ nổ ra, đưa đến xoá bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ ở Haiti. Năm 1794, Pháp chiếm lại toàn bộ đảo Hispaniola. Từ 1801-1803, nhân dân Haiti nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Toussaint Louverture và sau đó của Jacques Dessalines đánh bại đội quân Napoleon. Năm 1804, J. Dessalines lên ngôi Hoàng đế và tuyên bố Haiti độc lập. Từ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Haiti luôn bất ổn định chính trị, nhiều cuộc đảo chính đã xảy ra. Từ 1915 - 1934, Mỹ chiếm đóng Haiti. Sau khi Mỹ rút đi, Haiti lại rơi vào tình trạng bất ổn định. Năm 1957, Francois Duvalier trúng cử Tổng thống, thiết lập chế độ độc tài. Năm 1964, Duvalier xoá bỏ các đảng phái đối lập và tự xưng Tổng thống suốt đời. Năm 1971, Duvalier chết, con trai là Jean Claude Duvalier lên thay. Năm 1986, giới quân sự được Mỹ hậu thuẫn đảo chính lật đổ chế độ Duvalier con. Năm 1990, trong cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên, Jean Bertrand Aristide đắc cử Tổng thống nhưng bị giới quân sự đảo chính lật đổ (tháng 9 năm 1991).Trước đòn trừng phạt bao vây kinh tế của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OAS), Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ nhằm đưa Aristide trở lại cầm quyền, tướng đảo chính Raoul Cedras đã buộc phải ký thoả thuận với Aristide nhưng giới quân sự Haiti chống đối. Tháng 9/1994, Hoa Kỳ đưa quân can thiệp dưới danh nghĩa LHQ, đưa Tổng thống Aristide trở lại Haiti. Từ 1996 - 2000, Tổng thống René Preval (được Aristide ủng hộ) lên cầm quyền. Tháng 12 năm 2000, Aristide tái đắc cử Tổng thống (nhậm chức 7/2/2001). Đầu năm 2004, Haiti lại rơi vào khủng hoảng chính trị, Tổng thống Aristide một lần nữa bị lật đổ và đi lưu vong nước ngoài.

Hai nền văn hóa khác biệt

Sau khi giành độc lập năm 1844, người Dominica gốc Tây Ban Nha ra sức loại bỏ nền văn hóa gốc châu Phi tồn tại. Tuy nhiên chỉ có một số ít tầng lớp quý tộc là người gốc Tây Ban Nha, còn lại phần lớn dân số là vẫn người gốc châu Phi hoặc lai trộn. Điệu nhảy của người Dominican là "Baile de palo" chính là điệu nhảy đôi có nguồn gốc từ các điệu nhảy trong tang lễ của người châu Phi, diễn tả linh hồn người đã chết nhập vào con cháu để nhảy múa.


Người Doninica nhảy Baile de palo

Ngược lại, khi cuộc cách mạng Haiti năm 1791-1804 thành công, Haiti vẫn duy trì nhiều tôn giáo khác nhau có gốc châu Phi, và kết hợp chúng lại trong tôn giáo "Vodou". Dân mộ đạo đã được tổ chức thành dòng, dựa trên các nhóm sắc tộc châu Phi. Đối với dân chúng, nhảy múa trong các lễ hội Vodou là một phương thuốc để làm quên đi sự lo lắng căng thẳng của cuộc sống gần như khốn cùng. Từ khi còn bị nô lệ cho đến ngày nay, trãi qua không ít các cuộc khủng hoảng đói nghèo và rối ren chính trị, người dân Haiti đã chữa trị vết thương lòng này bằng các điệu nhảy Vodou của dòng Rada, dòng Congo, dòng Petwo, và những dòng tu khác. Ngoài ra cũng có các điệu nhảy dân gian của "affranchi" (các nô lệ được giải phóng) và những điệu nhảy "rara" diễn hành trên đường phố . Các di sản của vũ điệu châu Âu cũng được lưu lại trong những vũ điệu như Minuet Congo và contredanse. Người Haiti lưu vong trong cuộc Cách mạng Haiti cũng đem nhiều điệu múa của Haiti truyền đến các miền khác trong vùng biển Ca-ri-bê.

Hình ảnh
Phụ nữ nhảy múa diễn hành trong lễ hội Carnival ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti.


Vũ điệu quốc gia

Tuy rất khác biệt nhau cùng với một quá khứ đầy mâu thuẫn, cả hai nước trên đảo Hispaniola đều có chung một vũ điệu quốc gia: mereng ở Cộng hòa Haiti và merengue ở Cộng hòa Dominica. Tổng thống Rafael Leonidas Trujillo Molina (1942 – 1952) đã chọn merengue là điệu nhảy chính thức của Dominica

Điệu nhảy merengue là điệu nhảy được phát triển trong thời kỳ người Haiti chiếm đóng Dominica (1822-1844). Điệu nhảy có nguồn gốc từ những người nô lệ làm việc trong các đồn điền trồng củ cải đường. Điệu nhảy mô tả những nô lệ bị cột vào nhau thành từng hàng bằng dây xích ở cổ chân. Và vì bị xích, khi đi họ buộc phải lê chân sát đất.

Tuy vậy hai điệu nhảy Mereng của Haiti và Merengue của Dominica không hoàn toàn giống nhau

Sau khi đất nước giành lại độc lập vào năm 1844, các nhạc sĩ Dominica tìm cách xóa đi gốc rễ văn hóa của người Haiti trong điệu nhảy merengue và tạo một điệu nhảy của riêng mình bằng cách tăng nhanh thêm nhịp độ (tempo) của merengue và sử dụng âm nhạc có âm giai trưởng (major) chứ không còn dùng âm giai thứ (minor).

Điệu nhảy Merengue
Đến đầu thế kỷ 20, điệu nhảy được cấu trúc thành ba phần riêng biệt: phần paseo mở đầu có 8 khuôn nhạc, phần chính có 16 khuôn, và phần cuối cùng "jaleo" cho phép vũ công ngẫu hứng với nhịp điệu mạnh mẽ hơn.

Merengue của Dominica khá nổi tiếng so với điệu nhảy mereng của Haiti. Merengue rất nổi tiếng trong giai đoạn bị Hoa Kỳ chiếm đóng (1916 - 1924), lúc đó người dân Dominica xem điệu nhảy Merengue như là biểu tượng của niềm tự hào và sự phản kháng của dân tộc đối với ngoại xâm.

Trong thập niên 1930, merengue đã đơn giản để trở thành điệu nhảy "one-step", (còn gọi là walking step), mục đích để cho tất cả mọi người có thể nhảy mà không cần học một kỹ thuật nào.

Ở Merengue ngày nay chơi với âm nhạc 2/4, có tempo khoảng từ 120 đến 160 phách/phút. Đôi nhảy ôm nhau trong tư thế đóng. Bàn tay phải nam giữ eo của nữ và bàn tay trái giữ tay phải của nữ cao ngang tầm mắt. Đôi nhảy thả cong đầu gối trái và phải, làm cho hông chuyển động sang trái và phải. Hông của nam và nữ phải chuyển động cùng một hướng trong suốt điệu nhảy. Đôi nhảy có thể đi ngang hoặc đi vòng tròn với từng bước nhỏ. Họ có thể chuyển sang tư thế mở và thực hiện một cú xoay người mà không cần phải thả tay. Trong khi xoay, tay họ có thể xoắn vào nhau rất phức tạp. Mặc dù nhạc merengue có tiết tấu khá nhanh nhưng các cú xoay của vũ công lại khá chậm, nó thường diễn ra trong bốn phách.

Bachata cũng là một hình thức âm nhạc và múa có xuất xứ từ Dominica và được phổ biến rộng rãi trên thế giới hiện nay. Bachata có nguồn gốc từ các vùng nông thôn của Cộng hòa Dominica với tên gọi đầu tiên là "amargue" có nghĩa là cay đắng do âm nhạc của nó thường lãng mạn, nói về những chuyện đau khổ và buồn bã. Nhạc Bachata theo nhịp 4/4 và có nhiều ảnh hưởng của Son và Bolero, với nhạc cụ chính là đàn guitar. Ban nhạc điển hình của Bachata gồm năm nhạc cụ: guitar lead, guitar nhịp, guitar bass điện, trống bongo và güira (sau này là maracas). Cây guitar nhịp còn gọi là Segunda dùng để tạo syncope cho nhịp điệu.

Điệu nhảy Bachata đầu tiên trong thập niên 1950 rất giống với điệu nhảy Bolero nhưng được nhảy syncope (có các bước ở giữa các phách) tùy thuộc vào ngẫu hứng của vũ công. Xem bài viết về điệu nhảy Bachata

Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Gửi bàiĐã gửi: Tháng mười hai 03, 2012, 2:43 pm
gửi bởi docco



Các điệu nhảy của Brazil


Các điệu nhảy của Brazil có rất nhiều ảnh hưởng của người châu Phi và Bồ Đào Nha. Cũng giống như ở các nước Mỹ Latinh khác, do có rất nhiều nô lệ châu Phi làm việc tại các đồn điền cho nên văn hóa châu Phi ảnh hưởng rất nhiều đến âm nhạc và khiêu vũ của Brazil. Tầng lớp Brazil thượng lưu của Brazil thì có gốc Bồ Đào Nha và theo Công giáo La Mã cho nên các điệu nhảy của Brazil cũng chịu các ảnh hưởng này.

Hình ảnh

Samba

Samba - điệu nhảy trở thành một biểu tượng quốc gia của Brazil, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2005 - có nguồn gốc ở bang Bahia phía đông Brazil, nơi sinh sống của nhiều nô lệ châu Phi. Điệu nhảy Samba da Roda (vòng samba) có phần nào giống điệu nhảy bomba của Puerto Rico và điệu rumba của Cuba. Đôi vũ công Samba nhảy giữa một vòng tròn người gồm ban nhạc, ca sĩ, vũ công chờ đến lượt nhảy và khán giả. Hết lượt đôi vũ công khác lại vào thay thế. Bước cơ bản là một bước chuyển trọng lượng từ chân này sang chân khác, thực hiện theo các nhạc cụ gõ phách theo nhịp 2/4. Hầu hết sự chuyển động của vũ công nằm dưới thắt lưng, trong khi phần trên cơ thể vẫn tương đối yên tĩnh và thoải mái.

Có người cho rằng Samba chịu nhiều ảnh hưởng của điệu nhảy Maxixe sau năm 1914. Maxixe là điệu nhảy xuất phát từ Rio de Janeiro vào năm 1868, còn được gọi là "Brazilian tango" vì trong thời kỳ này điệu tango đang thịnh hành ở 2 nước láng giềng Argentina and Uruguay. Xem thêm Vũ điệu Samba

Hình ảnh
Các vũ công trường samba Salgueiro diễn hành trong lễ Carnival ở Rio de Janeiro.


Sau khi chế độ nô lệ chấm dứt (năm 1888), công nhân mía đường di cư đến các thành phố, nhiều người đến định cư trên những vùng đồi xung quanh Rio de Janeiro. Những khu nhà ổ chuột (favelas) đã trở thành vườn ươm cho điệu nhảy samba. Cư dân ở đây tự tổ chức dạy samba trong các câu lạc bộ của họ. Lễ hội Carnival ở Brazil là một dịp để dân chúng bùng nổ năng lượng. Họ tổ chức tiệc tùng, âm nhạc, khiêu vũ và diễu hành trên đường phố. Samba vượt qua sự phân biệt chủng tộc sắc và lan đến khắp miền đất nước thông qua các đài phát thanh và phổ biến rộng rãi nhờ ngành công nghiệp thu âm của những năm 1940. Samba có rất nhiều biến thể nổi lên trong thế kỷ 20, như chorinho, bossa nova, gafieira, samba de salón, samba-enredo, samba de mulattas, samba reggae, and pegode.

Các bang khác của Brazil có phong cách âm nhạc và điệu nhảy Carnival riêng của họ, chẳng hạn như "frevo" (một thể loại nhảy múa rất nhanh rất điền kinh với một số động tác tương tự như những điệu múa dân gian Nga) và maracatus của bang Pernambuco phía đông bắc Brazil hay "afoxé" và "Bloco afro" của thành phố Salvador. Filhos de Gandhy, một nhóm nhạc afoxé đầu tiên của người Brazil gốc Phi, được thành lập vào những năm 1940, thường thể hiện các chủ đề về tình huynh đệ, hòa bình, và tính khoan dung trong một xã hội đầy rẫy những sự đối xử phân biệt. Nhóm này đã tổ chức các afoxé toàn nam, ăn mặc như những đệ tử người của Mohandas Gandhi. Trống và các vũ hình lấy cảm hứng từ điệu nhảy tôn giáo Candomblé để nhấn mạnh việc cứu thế. Đầu thập niên 1970, điệu nhảy đầy tự hào này của người da đen được hưởng ứng bởi nhiều nhóm diễu hành gọi là "blocos afros". Chủ đề, trang phục và vũ đạo của họ lấy cảm hứng từ châu Phi, và họ phô diễn các chuyển động rất uyển chuyển của hông và tay.

Candomblé

Hình ảnh trong một lễ hội Candomblé
Tôn giáo Candomblé của người Brazil gốc Phi xem điệu nhảy như một hình thức cúng tế chính trong các nghi lễ. Candomblé là một biến thể của tín ngưỡng Yoruba từ Tây Phi, tương tự như tín ngưỡng Santeria của Cuba, orixás (orishas, ​​hoặc các vị thần) được cho kiểm soát các hiện tượng tự nhiên. Các vũ công Candomblé, chủ yếu là phụ nữ, di chuyển theo ngược chiều kim đồng hồ, hết lời ca ngợi các orixás, trong khi ba người nam đánh trống triệu tập các vị thần lễ hội. Đi lắc lư, xoay, rung người, lao lên lao xuống là dấu hiệu cho biết vũ công đã có một thần orixá nhập vào. Tại một điểm định sẵn, buổi lễ có một thời gian nghỉ ngắn cho phép những vũ công đã được orixá nhập, vào một phòng đặc biệt để mặc vào y phục nghi lễ của thần orixá nhập vào họ, thí dụ, một vũ công mặc một chiếc váy màu xanh và vương miện bạc là y phục của nữ thần biển Iemanjá. Xong, các vũ công về lại nghi lễ, vẫn trong tình trạng thần nhập, nhảy các động tác đặc trưng của orixá. Trường múa và các đoàn múa hát của Salvador đã bắt chước cách trang phục, tiếng trống, ca hát và nhảy múa từ các lễ hội nghi lễ này. Điệu nhảy orixás đã trở thành một phần của các biểu diễn địa phương, tuy nhiên, nó không được phép tổ chức bên ngoài các cộng đồng tôn giáo.

Capoeira

Điệu nhảy "capoeira" là một sự pha trộn giữa võ thuật và nhảy múa, có nguồn gốc từ người Angola châu Phi. Tuy nhiên, có rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc của điệu nhảy này. Một số nhà sử học có ý kiến cho rằng nó phát triển từ phong cách chiến đấu của người châu Phi, trong khi những người khác nghĩ rằng nó là một điệu nhảy Brazil có ảnh hưởng cả Brazil và châu Phi. Một số chuyên gia cho rằng từ "capoeira" được lấy từ "capao" có nghĩa là một con gà trống thiến. Các phong cách của điệu nhảy này cũng tương tự như một cuộc chiến giữa hai con gà trống. Cũng có người cho rằng "capoeira" lấy từ chữ 'kipura', mô tả chuyển động của con gà trống khi chiến đấu. Mặc dù có sự khác biệt đáng kể của dư luận về nguồn gốc của điệu nhảy và tên, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là các bước nhảy rất gần với võ thuật, nó có rất nhiều các động tác chiến đấu như nhào lộn, đá, quét chân, đấm và đánh khuỷu tay. Những người tham gia thường đứng thành một vòng tròn, sau đó từng đôi một lần lượt vào giữa vòng chơi một nhạc cụ, hát hoặc thực hiện các động tác chiến đấu, tạo ra những cảnh tượng đầy nguy hiểm và phấn khích. Capoeira thường được các nhóm múa dân gian Brazil chơi trong các lễ hội hóa trang.


Điệu nhảy Capoeira


Carimbó

Carimbo là tên của điệu nhảy và cũng là tên của chiếc trống lớn được chơi kèm với nó. Trong ngôn ngữ Tupi, Carimbo có nghĩa là trống. Carimbo là một điệu nhảy dân gian của bang Para ở Brazil, có rất nhiều ảnh hưởng của của các điệu nhảy châu Phi, Bồ Đào Nha và châu Âu. Carimbo là một điệu nhảy gợi cảm, người phụ nữ cố dùng váy mình phủ lên người nam. Đôi khi, người nữ ném chiếc khăn tay xuống sàn nhà để người nam dùng miệng để nhặt lên.


Điệu nhảy Carimbó


Carimbó phát triển vào năm 1983, nhảy đôi theo nhịp 2/4, khá giống với Merengue nhưng xoay nhiều hơn. Nó có những bước ngang, xoay người nhiều vòng, lắc hông và trở thành nền tảng của điệu Lambada phát triển sau đó.

Lambada

Lambada đầu tiên xuất hiện tại miền đông bắc Brazil vào những năm 1980 có nguồn gốc từ điệu Carimbó và được chơi trên nền âm nhạc hiện đại hơn. Lambada trong chữ Bồ Đào Nha có nghĩa là "vỗ mạnh" gợi nhớ các con sóng vỗ vào mạn thuyền và mô tả thân thể vũ công cũng uốn éo tựa như dợn sóng .

Lambada thường được nhảy với các tính cách rất gợi dục, có gối cong, với các bước ngang, xoay hoặc lắc người với hông luôn chuyển động. Người nữ mặc váy ngắn và người nam chỉ mặc quần dài. Khi xoay, váy ngắn của nữ thường được bung lên, lộ ra kiểu quần lót dây thời trang nhỏ xíu của thập niên 90, tạo nên một phong cách đặc biệt của điệu Lambada.

Trong những năm 1980 ở Brazil cứ mỗi mùa hè là mỗi cơn sốt: phong cách và nhịp điệu nhảy mới xuất hiện thay thế cái cũ, và cứ thế tiếp diễn. Lambada cũng nằm trong quỹ đạo này, bất chấp những thành công vang dội ban đầu của nó. Nhiều 'lambaterias' (tên gọi các vũ trường Lambada) mở cửa vào năm 1988 và không thể tồn tại khi phong trào đi xuống sau mùa hè, phải đóng cửa vài tháng sau đó. Nếu nó đã không được cho hai thương gia Pháp, Lambada có thể đã biến mất hoàn toàn. Nhìn thấy một cơ hội kinh doanh béo bở, hai người Pháp từ châu Âu đến Brazil đã mua bản quyền hơn 300 bài hát Lambada. Sau đó, họ tuyển dụng một nhóm các vũ công có kinh nghiệm bao gồm Braz, Didi và Mariley từ Porto Seguro và một số từ San Paolo. Trở về Pháp, họ thành lập ban nhạc Kaoma và nổi tiếng toàn cầu ngay lập tức. Đĩa đơn đầu tiên Lambada của họ bán chạy số một trong 64 quốc gia và Lambada từ đó được thế giới biết đến.


Một video clip Lambada của ban nhạc Kaoma nổi tiếng

Lambada từ châu Âu quay lại Brazil, tạo một làn sóng Lambada lan khắp quốc gia. Lambada nhanh chóng trở thành một trong nền văn hóa lớn nhất của Brazil, được quốc tế công nhận như Samba.

Tuy nhiên, đến năm 1994, các nhạc sĩ Lambada ít dần đi. Điệu nhảy do đó mất hấp dẫn và vũ công hướng đến các điệu nhảy truyền thống khác. Những người trung thành với Lambada bắt đầu tìm kiếm những thể loại nhạc khác của vùng Ca-ri-bên như Soca và Zouk để nhảy Lambada. Phần lớn của âm nhạc bây giờ chúng ta nhảy Lambada là Zouklove, do đó một số người gọi Lambada là "Zouk-Lambada". Điều này gây hiểu nhầm về bản chất và nguồn gốc của điệu nhảy Lambada.

Lundu



Lundu, hoặc gọi Lundum, cũng là một điệu nhảy có gốc từ những người nô lệ châu Phi, và nó đã trở thành rất phổ biến ở Brazil trong suốt 17 và đầu thế kỷ 18. Các nhạc cụ cơ bản của Lundu gồm guitar, piano và trống. Điệu nhảy này cũng liên quan đến việc sử dụng khăn tay và castanet (một loại nhạc cụ bao gồm một cặp hình võ sò khoét rỗng làm bằng gỗ, buộc dính nhau ở cạnh bằng dây, đeo vào ngón cái và dùng các ngón còn lại để gõ nhịp).

Hình ảnh
Castanet


Forró

Forró, xuất phát từ chữ "forrobodo", có nghĩa là một bữa tiệc tuyệt vời. Tuy nhiên, có giả thuyết khác cho rằng "forro" là do từ tiếng Anh "for-all". Đây là một trong những điệu nhảy phổ biến nhất của miền Đông Bắc nước Brazil và có thể nhảy trên các thể loại nhạc khác nhau. Các nhạc cụ sử dụng trong điệu nhảy này là accordion, zabumba và metal triangle. Mỗi vùng có các phong cách nhảy Forró khác nhau. Forró được nhảy thành từng đôi, ôm sát nhau, có nhiều bước phức tạp.



Ngày nay, các điệu nhảy Brazil đã phổ biến rộng lớn trên toàn thế giới. Hầu hết các điệu nhảy này có nguồn gốc từ các điệu nhảy truyền thống châu Phi, Bồ Đào Nha và châu Âu, và bây giờ chúng đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa và truyền thống Brazil.

Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Gửi bàiĐã gửi: Tháng mười hai 05, 2012, 3:35 pm
gửi bởi docco



Các điệu nhảy vùng phía nam của châu Mỹ-Latin


Các vùng phía nam của Mỹ-Latin gồm Argentina, Chile, Uruguay, Paraguay và Bolivia có nền văn hóa hình thành và phát triển khá giống nhau nên được nói chung trong bài viết này.

Hai điệu nhảy dân gian đặc trưng của vùng này là "chilena cueca" và "zamba". Đây là hai biến thể của điệu nhảy zamacueca có nguồn gốc từ Lima của Peru, là điệu nhảy pha trộn các nền văn hóa hình thành trong thời kỳ các quốc gia Mỹ Latin giành độc lập (có nói trong bài đầu tiên).

Hình ảnh
Người Argentina nhảy Zamba trên đường phố

Thánh nữ Virgen del Carmen
Ở đây có các vùng định cư rộng lớn dọc vùng núi Andes, dân chúng các nghi lễ nhảy múa trong các lễ hội Carnival và các lễ hội Công giáo khác.

"Virgen del Carmen" là một lễ hội lớn nhất của vùng sa mạc cao nguyên phía bắc của Chile vào ngày 16 tháng 7 hàng năm. Trong lễ hội Virgen del Carmen (còn gọi là Virgin del Carmen, là vị thánh bảo trợ của Chile) có hơn 100.000 khán giả, vũ công, và nhạc sĩ hành trình đến La Tirana, một thị trấn nhỏ của Chile với dân số chỉ khoảng 600 người. Hơn 180 người cofradías (nhóm tôn giáo gốc châu Phi, có đề cập ở cuối bài Cuba), chia thành các nhóm nhảy múa gọi là cuyaca, pieles roja, chuncho, oso, negro, moreno, chino, gitano, collaguayo và diablo. Mỗi nhóm này có bước nhảy, trang phục và âm nhạc riêng biệt. Các gitano thì có trang phục như người Gypsy La mã, nhảy múa đối diện nhau trong hai hàng đan chéo, và nhảy với chiếc khăn quàng cổ. Bầu không khí lễ hội pha trộn giữa các cảnh trí đẹp mắt và sự tôn kính trang nghiêm, dân chúng vui chơi và nhảy múa không ngừng nghỉ làm cho những người đánh trống đến chảy máu tay và các vũ công nhảy đến giộp chân. Trong đêm cuối cùng, các cofradías khóc lóc hát bài hát chia tay với thánh Virgin rồi bước vào nhà thờ đang đầy những âm thanh sùng đạo.


Hình ảnh
Trang phục của nhóm gitano


virgen-del-carmen-medium_17.jpg

Lễ hội Virgen del Carmen



Bị Tây Ban Nha chiếm làm thuộc địa từ năm 1542, Argentina có hàng triệu nô lệ châu Phi nhập cư vào những thế kỷ sau đó. Đa số nô lệ là người Bantu đến từ phía Đông và vùng xích đạo châu Phi. Người Bantu chiếm một khu vực rộng lớn của châu Phi, trong đó có hơn 450 dân tộc khác nhau nhóm, 20 ngôn ngữ và 70 thổ ngữ. Khi bị bắt làm nô lệ nền văn hóa của họ cũng bị mai một dần. Không giống nô lệ ở các xứ khác, người Bantu được phép tổ chức lễ hội thờ cúng, thường là đánh trống và nhảy múa. Lễ hội còn tồn tại đến ngày nay - gọi là "Candombé". Tangó là tên gọi cái trống chơi trong điệu nhảy Candombé này và người Bantu cũng gọi các địa điểm tổ chức Candombé là tangó. Chế độ nô lệ cáo chung vào năm 1853, và điệu nhảy Candombé phát triển, nó là cơ sở để điệu nhảy milonga ra đời sau này.


Candombé Milonga


Vào khoảng 1850, điệu nhảy Habanera từ cảng Havana của Cuba theo chân các thủy thủ đến thành phố cảng Buenos Aires. Điệu nhảy này có nguồn gốc từ điệu nhảy contredanse (đã nói ở bài đầu). Tại đây nó kết hợp với các điệu nhảy khác rồi dần dần biến đổi hòa nhập vào điệu nhảy milonga.





Pampa, một vùng đồng bằng rộng hơn 750,000 km2, trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương sang phía tây đến tận chân núi Andes. Nó bao gồm Buenos Aires và một số bang của Argentina, toàn bộ Uruguay, vùng "Rio Grande do Sul" phía nam của Brazil và một phần của Paraguay. Đây là một vùng đất phì nhiêu với khí hậu ôn hòa, rất thích hợp cho việc trồng trọt và chăn nuôi, do vậy ở Pampa có rất nhiều dân du mục chăn nuôi. Những người này được gọi là "Gaucho" tương tự như "cao bồi" ở Mỹ.

Hình ảnh
Cao bồi Gaucho chăn cừu ở Patagonia, Argentina


Các nước Argentina, Uruguay, Paraguay và miền nam Brazil cùng chia sẻ nền văn hóa cao bồi "Gaucho". Gaucho là giống dân pha trộn giữa người bản xứ và người Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha. Dân du mục Gaucho thường tụ tập và tổ chức các các buổi đàn hát gọi là a "payada de contrapunto" hay vắn tắt là payada (payada có nghĩa là hát). Họ tụ tập ở các bãi đất trống, ca hát biểu diễn thi đấu với nhau bằng cây đàn guitar. Một người bắt đầu hát bất cứ bài nào họ nhớ - chủ đề có thể về tình yêu, về cái chết hay thượng đế - những người kia sẽ hát đối lại theo cấu trúc 8 khuôn nhạc 2/4. Dân nô lệ tham gia thì không hiểu gì về các lời hát đối đáp này, nên gọi nó là "milonga" có nghĩa là "nhiều lời" (many-words). Dần dần họ dùng từ "milonga", thay thế cho từ "payada". Người du mục từ vùng này đến vùng kia với cây đàn guitar ca hát thi đấu thì gọi là "milonguero". Từ milonga sau đó cũng dùng để nói đến các buổi tụ tập nhảy múa của dân Gaucho.

Trong thập niên 1850, dân du mục Gaucho, với cuộc sống nay đây mai đó, đã gom tụ về mình tất cả các điệu nhảy có trong vùng. Họ nhảy pha trộn của các điệu nhảy bản xứ như Candombé, các điệu trong vùng như Habanera, các điệu nhảy gốc Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha như fandago, chula và tirana, các điệu nhảy châu Âu như waltz và polka. Dần dần họ hình thành một điệu nhảy mà sau này được gọi là "milonga".

Hình ảnh
Điệu nhảy Gaucho


Các điệu nhảy của dân Gaucho thường có chủ đề tán tỉnh hoặc có tính hài hước. Các đôi nhảy rất lịch sự qua cung cách ăn mặc và các cử chỉ khiêm tốn như nhún chân cúi đầu chào phụ nữ. Họ nắm tay nhau một cách lịch sự hoặc sử dụng khăn tay để duy trì kết nối khi nhảy. Người nam thường thực hiện các bước "zapateado" (gõ giầy xuống sàn để đánh nhịp), trong khi người nữ thực hiện một bước lắc lư mềm được gọi là một "zarandeo". Đây được xem là một cử chỉ tán tỉnh. Ở Argentina, các điệu nhảy Gaucho bao gồm "chacarrera" và "gato" (hai điệu nhảy đôi dựa trên điệu nhảy fandango) và "malambo" (nhảy solo của nam với các bước chân ngẫu hứng).


Gaucho dance ở Argentina

Dòng sông Río de la Plata phân tách hai thành phố Montevideo của Uruguay và Buenos Aires của Argentina, tương ứng với nơi phát triển của hai điệu nhảy "milonga" và "tango". Hai thành phố cảng này là cửa ngỏ dẫn đến các nông trại chăn nuôi gia súc vùng Pampa (vùng đồng bằng rộng lớn trải dài về phía tây từ bờ biển Đại Tây Dương đến chân núi Andes) và các ngành công nghiệp khai thác mỏ trong vùng Andes của dân Bolivia.

Hình ảnh
Dòng sông Río de la Plata và vùng phía nam Mỹ Latin

Vùng Pampa phía bên kia dòng sông Río de la Plata, từ Uruguay kéo dài lên tận Brazil và Paraguay, dân Gaucho với cuộc sống du mục đã phát triển điệu nhảy của họ thành điệu nhảy dân gian gọi là "milonga". Rất nhiều người lẫn lộn giữa điệu milonga này với một biến thể về sau này của điệu tango Argentina là "tango milonga". Sự lẫn lộn này đã từng làm rối ren cho việc tìm hiểu các điệu nhảy ở Argentina.

Ở Argentina bên này sông Río de la Plata, điệu nhảy "milonga" phát triển đến cuối thập niên 1870 thì lại thay đổi. Khoảng năm 1880, trong chiến dịch chinh phục sa mạc Conquista Desierto, chính quyền quân sự Argentina muốn tranh giành vùng Patagonia nằm giữa Argentina và Chile, nên khuyến khích và đưa dân định cư Châu Âu đến đây khai thác để biến Argentina thành một quốc gia hàng đầu về nông nghiệp. Họ khoanh vùng đồng bằng Pampa trong lãnh thổ của họ thành các khu rộng lớn cho các giai cấp quý tộc giàu có sở hữu khai thác và phân chia các lô đất nhỏ hơn cho một số rất đông người châu Âu nhập cư. Điều này làm cho dân du mục Gaucho còn nơi du canh du cư được nữa. Họ buộc phải tìm đến định cư tại những vùng nghèo khổ nhất ở ngoại ô Buenos Aires. Họ phải xin đi làm thuê trong các lò mổ gia súc, thú vật. Cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn, thường xuyên gần với biên giới của tội phạm. Dân Gaucho lúc này được gọi là "compadrito" để ám chỉ con người có thái độ rất hung hăng.

Cuộc sống chung nghèo khổ của dân compadrito cùng với dân nô lệ da đen ở khu ổ chuột ngoại ô Buenos Aires là nền tảng sinh ra điệu tango. Cái tên "tango" như đã nói ở trên là xuất phát từ điệu nhảy Candombé của nô lệ da đen. Vào thập niên1880, khu vực bờ sông Río de la Plata của Buenos Aires mọc lên nhiều quán bar, nhà nghĩ, nhà chứa để phục vụ cho các thủy thủ, dân gaucho, công nhân bốc dỡ, binh lính, lái xe tải, phu khuân vác và chăn ngựa.

Tango được ra đời trong nhà chứa hay nhà nghỉ chật hẹp này. Nhà chứa là nơi giải trí chính của giới bình dân. Có giả thuyết cho rằng trong thời kỳ này phụ nữ ít hơn đàn ông nên nghề làm gái điếm rất phát triển và dễ kiếm tiền. Khách làng chơi thì đông còn gái điếm thì ít khiến cho họ phải thường xuyên ngồi đợi cho đến lúc có gái. Trong khi chờ đợi, họ thường ôm nhau nhảy đôi, và như thế điệu nhảy tango ra đời. Dân da đen ôm nhau chơi tango một cách gợi dục còn dân compadrito nhảy tango xa nhau hơn với tính cách nhạo báng ngạo đời. Tango chỉ phát triển trong giới bình dân và không được các tầng lớp trung lưu và quý tộc chấp nhận vì phong cách dâm dục của nó. Với Giáo hội Công giáo thì Tango cũng được xem là điều đáng xấu hổ của nhân loại .

Hình ảnh
Gái điếm trong các nhà chứa


Thời kỳ đầu, tango có các bước nhảy tương đối đơn giản. Nó là một hỗn tạp giữa điệu Milonga của dân compadrito pha trộn với điệu Candombé, điệu Habanera đến từ Cuba. Âm nhạc của tango thường kéo dài lê thê nhày nhụa, rất khác với âm nhạc milonga có các phách mạnh dứt khoát. Tango không còn những bước nhảy nhanh, mạnh đầy nam tính của dân gaucho mà thay vào đó là những bước nhảy chậm hơn, ít kỹ thuật hơn phù hợp với tầng lớp lao động nghèo hèn và gái điếm.

Hình ảnh
Sự phát triển của điệu Tango


Năm 1907, tango được chấp nhận và hòa nhập với xã hội rồi lan sang Paris. Ở đó, nó đã trở thành một điệu nhảy thịnh hành của thời đại ragtime, Và ở châu Âu, tango hình thành một số tư thế khiêu vũ và nhiều bước nhảy (như dip, stop, và bước chuyển trọng tâm nhanh) có liên quan mật thiết với điệu tango đương đại. Đồng thời, ở Argentina, người da đen bị mất dần bản sắc của mình và bị pha loãng trong với làn sóng người châu Âu nhập cư đến Argentina (hầu hết là từ Ý). Các di sản châu Phi trong tango trước đó như chuyển động hông, khung chậu và vai biến mất, và tango được chơi theo một cách trang trọng hơn.

Hình ảnh
Điệu nhảy Tango


Tango đạt đến đỉnh cao vào cuối thập niên 1930 và trong thập niên 1940. Sau khi nổi tiếng trên các sàn nhảy ở châu Âu, tango đã quay lại các quán cà phê và vũ trường trung tâm thành phố Buenos Aires. Trên sàn nhảy lớn hơn, các bước tango được tăng thêm, và các biến thể được thêm vào như các bước móc chân, nhảy, và rảy chân được gọi là gancho, salto và boleo. Tư thế ôm sát nhau trước đây được nới lỏng ra để các đôi nhảy thích ứng với bước đi mới và những động tác chân mới. Âm nhạc đi kèm bao gồm guitar, piano, violin, bandoneón, và lời ca. Nam ca sĩ tango và ngôi sao điện ảnh Carlos Gardel trở thành thần tượng của thanh thiếu niên Mỹ Latin trong thập niên 1920 và 30. Trong nền kinh tế suy thoái của Argentina, tango có nhịp chậm lại và lời ca của nó là những bài thơ u sầu, cay đắng, và nỗi nhớ nhà.

Cuộc đảo chính năm 1955 đưa điệu nhảy Tango vào thời kỳ ảm đạm. Tango của giai cấp bình dân bị cho là loại văn hóa nguy hiểm trong chính quyền quân sự mới. Họ không thích tango và cũng không nhảy tango. Trong thời gian này, các điệu nhảy "rock and roll" của Hoa Kỳ được yêu thích ở Argentina thay cho tango, và đến đầu thế kỷ 21 thì salsa đã trở thành điệu nhảy phổ biến nhất. Tango chỉ còn tồn tại ở một số ít ỏi các bar rượu.

Năm 1983 sự sụp đổ của chính quyền quân sự làm cho tango hồi sinh. Thời kỳ này dân chúng rất phấn khích và muốn nhảy tango. Họ xem tango như một niềm tự hào dân tộc. Nhiều nghệ sĩ khiêu vũ nổi danh như Juan Carlos Copes & Maria Nieves lưu diễn và giảng dạy tango khắp thế giới. Sự hồi sinh tango cũng làm hồi sinh câu lạc bộ tango ở Buenos Aires. Lúc này điệu nhảy "Tango Nuevo" cũng bắt đầu lôi cuốn giới trẻ, những người muốn thử nghiệm với điệu nhảy pha trộn nhiều chủng loại có nhiều bước kết hợp mới. Rất tiếc là lúc này khi tango được đông đảo quần chúng quan tâm thì dường như sau 30 năm suy thoái, không còn nhiều người biết về Tango, cộng với việc chế tác lai tạp của các trung tâm kinh doanh, đã làm cho điệu nhảy Tango trở nên mơ hồ và hổn loạn hơn bao giờ hết.

Các điệu nhảy Latin - sự hình thành và phát triển

Gửi bàiĐã gửi: Tháng mười hai 07, 2012, 11:47 am
gửi bởi docco



Các điệu nhảy của Mexico



Bối cảnh chung

Múa dân gian của Mexico (tiếng Tây Ban Nha là Baile folklórico) bao gồm một loạt các điệu nhảy ra đời từ khi đế chế Aztec của Mexico bị Tây Ban Nha xâm chiếm vào khoảng 1750. Những điệu múa này có nguồn gốc từ các điệu múa bản địa, châu Âu và châu Phi.

Sau khi chiếm Mexico, người Tây Ban Nha đã ra sức tiêu diệt các điệu múa bản địa, coi đó như là "tà đạo" nguy hiểm và phần nào đó họ đã thành công, như những điệu nhảy có liên quan tới giới tu sĩ và giới cai trị. Tuy nhiên, họ không thể tiêu diệt các điệu nhảy phổ biến trong dân gian, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và các vùng họ không thể tiếp cận được. Thay vào đó, Giáo hội Công giáo cố gắng loại bỏ hoặc biến đổi các điệu nhảy bản địa này và gán cho nó có những ý nghĩa mới để nó thích ứng với Kitô giáo. Vì lý do này, hầu hết các điệu nhảy bản địa ít nhiều bị thay đổi kể từ thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha, rất ít điệu nhảy nào còn nguyên vẹn. Dân chúng chỉ được phép nhảy múa trong các lễ hội Công giáo để tỏ lòng kính trọng Đức mẹ Maria hoặc các thánh Công giáo khác. Một trong những vùng đầu tiên áp dụng luật này là vùng Tlaxcala, họ sửa đổi điệu múa truyền thống để diễn lại cuộc xâm lược của Tây Ban Nha.

Ngoài các điệu múa bản địa, những điệu múa dân gian khác từ châu Âu du nhập vào như "Moros y Cristianos", contredanse, seguidilla , fandango, huapango , jota, bolero, zambra và zapateado (có nói trong bài đầu) cũng được sửa đổi hoặc biên đạo mới hoàn toàn. Có rất ít ảnh hưởng của châu Phi lên các điệu nhảy dân gian này vì nô lệ châu Phi ở Mexico có ít, ngoại trừ ở các khu vực phía đông Veracruz, vùng bờ biển của Guerrero và Oaxaca, nơi có người châu Phi sinh sống đông hơn.

Hầu hết các điệu múa truyền thống tồn tại đến ngày nay đều hình thành trong thời kỳ thuộc địa, nhưng mãi đến khi Mexico giành được độc lập thì nó mới trở nên rất phổ biến trong dân chúng và trở thành một bản sắc của dân tộc Mexico. Chúng phát triển mạnh bất chấp các quá trình hiện đại hóa và xã hội hóa lúc này. Lý do để các điệu nhảy dân gian này phát triển là vì Mexico mong muốn có một bản sắc quốc gia sau khi giành được độc lập, và sau khi cách mạng Mexico thành công. Họ công nhận các nền văn hóa pha trộn và nỗ lực bảo tồn các sắc tộc đa dạng ở Mexico, trong đó có việc bảo tồn các điệu múa truyền thống ở nhiều địa phương và khu vực. Họ quan tâm đến nền văn hóa bản địa và dần loại bỏ ảnh hưởng của nền văn hóa châu Âu. Thí dụ, điệu nhảy "jarabe" của bang Jalisco được chính phủ ủng hộ và đã trở thành một công cụ chính trị để gợi lên lòng yêu nước của dân tộc Mexico. Trong quá khứ, điệu nhảy này gắn bó với phong trào giành độc lập, khiến nó được gọi là "Jarabe Mexicano". Và năm 1924 nó đã trở thành trở thành điệu nhảy quốc gia của Mexico, nhảy trên nền nhạc "son".

Hình ảnh

Bất chấp những ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài và việc hiện đại hóa xã hội của Mexico trong thế kỷ 19 và 20, làn sóng chủ nghĩa dân tộc của Mexico đã cố gắng phát triển những điệu nhảy truyền thống để chúng tồn tại cho đến ngày nay. Sau cuộc Cách mạng Mexico đã có nhiều sáng tác theo phong cách dân gian như Adelita, Valentina và Cucaracha. Những năm 1920 và 1930 các nghệ sĩ Mexico có mục tiêu chính trị là tạo nên một bản sắc độc lập cho Mexico, loại bỏ ảnh hưởng của nền văn hóa nước ngoài. Trong những năm 1930, chính quyền thành lập các trung tâm giáo dục để phổ biến của điệu nhảy dân tộc. Có thời kỳ, trong những năm 1950 và 1960, các điệu nhảy dân gian bị suy thoái, nhưng chính phủ Mexico tiếp tục trợ cấp vì giá trị thẩm mỹ và xã hội của nó. Chính phủ hỗ trợ của múa công ty nhảy múa dân gian hoặc múa "ballet folklórico", trong số đó có công ty nổi tiếng là "Ballet Folklórico de México" sẽ nói ở phần sau.

Lễ hội

Một trong những lễ hội dân gian công phu nhất Mexico là lễ hội tôn vinh thánh bổn mạng của đất nước - Đức Mẹ Guadalupe (hay La Virgen de Guadalupe) - vào ngày 12 tháng 12.


Lễ hội Virgen de Guadalupe

Mỗi năm hàng nghìn người danzante (danzante là một tôn giáo ở Mexico) hành lễ trước Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe ở thủ đô Mexico. Có một nhóm vũ công rất đặc biệt và có uy tín trong lễ hội này là nhóm vũ công "Chichimec", những người được gọi là "concheros" vì trong khi nhảy múa, họ còn chơi thêm mộ loại nhạc cụ giống như guitar làm từ mai của con "armadillo".


Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe ở thủ đô Mexico,
mỗi năm có khoảng 20 triệu du khách đến viếng


Trong các ngày lễ khác của Công giáo La Mã cũng vậy, thường xuyên có hàng ngàn vũ công của các tôn giáo trên khắp Mexico kéo về hành lễ. Trang phục của họ rất cầu kỳ, phải mất rất nhiều thời gian để làm, lại còn trang trí thêm các đồng xu, lông chim, vỏ sò, ru-băng, mảnh kim loại và các đường thêu.

Hình ảnh
Một loại trang phức tạp trong lễ hội




Lễ hội mừng thánh St. Sebastian ở Jalisco, Mexico

Điệu nhảy quốc gia jarabe Tapatio và dàn nhạc mariachi

Năm 1924 jarabe Tapatio trở thành điệu nhảy quốc gia của Mexico (nên còn gọi là Nacional jarabe). jarabe Tapatio hình thành ở đầu thế kỷ 20 và có nguồn gốc điệu nhảy châu Âu "seguidilla" hay "sonecitos del país" có nói ở bài đầu. "jarabe Tapatio" tượng trưng cho sự thống nhất văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc như Mexico. Dàn nhạc chơi cho điệu nhảy "jarabe Tapatio" là "mariachi" cũng là một biểu tượng nổi tiếng của Mexico.

Dàn nhạc mariachi xuất hiện vào cuối những năm 1700 đầu những năm 1800 ở phía tây miền trung Mexico. Mariachi là dàn nhạc gồm 3 đến 12 người chơi nhiều loại nhạc cụ dây và đồng thau. Từ năm 1930, dàn nhạc mariachi điển hình bao gồm hai trumpet, ba violin hay nhiều hơn, vài guitar, và đôi khi có một cây đàn harp. Dàn nhạc Mariachi từ lâu đã được coi là một dàn nhạc duy nhất chỉ có của Mexico, tượng trưng cho một truyền thống có cả hai yếu tố bản địa và nước ngoài.

Hình ảnh

Điệu nhảy jarabe Tapatio và dàn nhạc Mariachi rất phổ biến ở Mexico, nó phản ánh cuộc sống nông thôn và một quá khứ đầy lãng mạn. Cả Tapatio jarabe và mariachi có nguồn gốc từ bang Jalisco. Những người sống ở Guadalajara, thủ đô của bang Jalisco, được gọi là "Tapatío". Hình ảnh của những người phụ nữ Jaliscan có trang phục rất cầu kỳ với các chuyển động váy đã trở thành một thương hiệu của khiêu vũ Mexico.


Vũ công trong Jalisco, Mex, nhảy bài "Son de la Negra". Người nam thực hiện zapateado (gõ giầy xuống sàn) và người nữ thể hiện có các động tác tung váy đặc trưng. "Son de la Negra" là một bài hát mariachi rất phổ biến được sáng tác viết bởi nhà soạn nhạc Blas Galindo người vùng Jalisco vào năm 1940. Bài này được xem như là bài quốc ca thứ hai của Mexico.


Nhà hát "Ballet Folklórico de México"

Năm 1952, một vũ công và biên đạo múa trẻ của Mexico tên là Amalia Hernández thành lập "Ballet Folklórico de México", một sân khấu khiêu vũ theo phong cách vĩ đại của Ballet Russes (được thành lập năm 1909), với trang phục, cảnh quan, và ánh sáng rất cầu kỳ. Cũng giống như vũ công người Mỹ Katherine Dunham trong những năm 1930 đã sử dụng những điệu nhảy của vùng Ca-ri-bê, Hernández cũng thực hiện các buổi hòa nhạc khiêu vũ "lai" bằng cách sửa đổi các điệu nhảy pha trộn của bản địa theo các kỹ thuật khiêu vũ hiện đại. Sự biến đổi các vũ điệu truyền thống vào một thể loại khiêu vũ đã cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc Mexico. Việc sử dụng các vũ điệu truyền thống quốc gia đã được củng cố khi vào năm 1962 Folklórico Ballet giành chiến thắng một cuộc thi quốc tế về các điệu nhảy dân gian của quốc gia. Phong cách nghệ thuật của Amalia Hernández sao đó đã được hàng trăm đoàn hát folklórico của Mexico, các nước châu Mỹ La tinh và Hoa Kỳ bắt chước.


Giới thiệu về nhà hát Ballet Folklorico của Mexico


Banda

Mexico chấp nhận các điệu nhảy xã hội có nguồn gốc đa dạng, rồi biến đổi nó trở thành các vũ điệu mang phong cách và hương vị riêng biệt của Mexico. Trong lịch sử, nhạc sĩ giỏi của Mexico đã thường xuyên kết hợp các xu hướng âm nhạc mới vào âm nhạc của họ, cho dù mambo của Pérez Prado ở Cuba hoặc rock của Carlos Santana người Chicano. Tuy nhiên, họ cũng là những người sáng tạo. Nhạc "Banda", thí dụ, được xem là một thể loại của người Mexico. Âm nhạc Banda liên quan đến một tổng hợp của các nhịp điệu nhảy truyền thống (như polka, cumbia , soni và waltz) được biến đổi rất sáng tạo bằng cách sử dụng công nghệ âm thanh điện tử và phong cách trình diễn sôi động. Phần lớn nhạc Banda có upbeat để cho các vũ công nam xoay, nhảy, tung bạn nhảy lên hoặc ter xuống sàn. Banda cũng có tiết tấu chậm để cho các vũ công có cơ hội lắc lư trong lúc ôm nhau.


Dân chúng nhảy Banda trên đường phố Ocros

Còn có nhiều điệu nhảy khác ở Mexico mà ta không thể nào kể hết ở đây. Nói chung từ cuối thế kỷ 20, các thị trấn nhỏ ở miền tây Mexico trải qua một quá trình chuyển đổi lối sống từ nông thôn ra thành thị khi các nhà máy và nhà ở mọc lên thay thế các vùng đất nông nghiệp. Nhiều nông dân bỏ Mexico sang Mỹ để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với nhiều người, các điệu nhảy dân gian tượng trưng cho niềm tự hào về sự thống nhất của Mexico và những gì còn giữ lại được trong sự mất mát bản sắc do quá trình hiện đại hoá.