Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Vua Tao Đàn Thanh Hải

Âm nhạc

Vua Tao Đàn Thanh Hải

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười 13, 2014, 9:46 am

Nghệ sĩ Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, sinh năm 1933 tại Dĩ An, Sông Bé (nay là Bình Dương), đã trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 30 ngày 16-9, tại nhà riêng, do bị bệnh già. Thọ 81 tuổi.

Trong làng sân khấu cải lương hồi trước, báo chí và người hâm mộ thường tặng danh xưng ông hoàng bà chúa cho một số nghệ sỹ tài danh. Riêng bên cánh nam nghệ sỹ, nhắc đến những vương vị đó thì có : Vua vọng cổ Út Trà Ôn, Vua Xàng xê Minh Chí, Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài…và cũng không thể không nhắc đến một giọng ca độc đáo của sân khấu cải lương là “Vua Tao Đàn” Thanh Hải.



Hình ảnh
Vua Tao đàn Thanh Hải và Vua viết lời Vọng cổ Viễn Châu


Nghệ sỹ Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, sinh năm 1933, tại Dĩ An, Bình Dương. Thân phụ của Thanh Hải là võ sư Sáu Kỳ, từng hoạt động chống Pháp và bị Pháp thủ tiêu mất xác khi Thanh Hải vừa lên tám tuổi. Tuy nhiên, Thanh Hải vẫn tiếp tục theo học và lấy được bằng Trung học đệ nhất cấp.

Thời đó ở làng quê mà có bằng Trung học đệ nhất cấp lại giỏi chữ Pháp thì cũng kể là học cao và có nhiều cơ hội nghề nghiệp rồi. Bởi vậy, Thanh Hải đã được tuyển vào làm nhân viên kỹ thuật trong nông trường cao su ở Bình Dương (tỉnh Sông Bé cũ).

Công việc thì không mấy vất vả, nhưng đổi lại giữa rừng cao su bạt ngàn nên vắng vẻ và buồn bã. Và cũng chính cái vắng vẻ và buồn bã đó đã đưa Thanh Hải đến với cải lương.

Số là, những lúc nhàn rỗi, Thanh Hải có một chiếc radio để giải khuây. Trên sóng đài phát thanh, Thanh Hải bắt đầu khám phá và thần tượng Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn, một giọng ca mà trong thập niên 1950 đã quá lẫy lừng. Có lẽ vì thế, mà sau này, giọng ca Thanh Hải chịu ảnh hưởng rất nhiều của « Sư phụ » Út Trà Ôn.

Một kép chánh hàng đầu

Niềm đam mê cải lương trong Thanh Hải ngày một lớn. Rồi năm 24 tuổi, Thanh Hải quyết tâm theo gánh hát.
Khoảng năm 1958, Thanh Hải hát cho đoàn Kim Hoàng-Như Mai. Ở Pháp, chúng tôi thường được nghe nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Liên và lão nhạc sỹ cổ nhạc Minh Thanh, những người từng hát ở Kim Hoàng-Như Mai với Thanh Hải hồi đó, nhắc về giọng ca của ông suốt.

Sau đó, Thanh Hải được soạn giả Điền Long là người cùng quê giới thiệu về đoàn Hữu Chí. Rồi Thanh Hải về đóng kép chánh cho đoàn Ánh Sáng của ông bầu Năm Tập.

Tài năng của Thanh Hải bắt đầu lan nhanh và ông Năm Tập quyết định đưa đoàn Ánh Sáng về thi thố với các đại bang cải lương ở Sài Gòn. Giọng ca Thanh Hải bắt đầu chinh phục Sài Thành và đoàn Ánh Sáng đã thắng lớn về doanh thu.

Từ đó, các đại bang bắt đầu chú ý đến Thanh Hải. Cuối năm 1959, đoàn Thủ Đô khai trương và đã mời Thanh Hải về cộng tác. Ở đoàn Thủ Đô, Thanh Hải đóng kép nhì bên cạnh thần tượng là Út Trà Ôn.

Vận may của Thanh Hải lại đến khi bầu của đoàn Thủ Đô là ông Ba Bản lập hãng đĩa Hoành Sơn, và dĩ nhiên giọng ca Thanh Hải được ưu tiên thu âm, và đó cũng là một phương tiện hữu hiệu giúp cho cái tên Thanh Hải được lan rộng hơn trong công chúng. Các hãng đĩa lớn khác cũng bắt đầu mời Thanh Hải thu âm. Nhờ thế mà người mộ điệu hiện tại còn được thưởng thức giọng ca Thanh Hải trong nhiều kiệt tác vọng cổ.

Rồi vào khoảng năm 1961, Thanh Hải về hát cho đoàn Kim Chưởng, một đại bang cải lương được mệnh danh là “Đệ nhất anh hùng lưu diễn” lúc bấy giờ, được điều hành bởi bà bầu-nghệ sỹ Kim Chưởng, một bà bầu thuộc hàng số một của sân khấu cải lương.

Ở đoàn Thủ Đô và Kim Chưởng, tên tuổi Thanh Hải để đời với nhiều vở tuồng nổi tiếng. Tên tuổi liên danh đào kép chánh Ngọc Hương-Thanh Hải trở nên vang dội. Đến hiện tại, hễ nhắc đến Ngọc Hương thì người mộ điệu nghĩ ngay đến Thanh Hải, mà hễ nhắc đến Thanh Hải là phải nghĩ trước hết đến Ngọc Hương.

Vào khoảng năm 1964, Thanh Hải đầu quân cho đại bang Kim Chung cùng hát với các nghệ sỹ tài danh như Lệ Thủy, Diệu Hiền…

Thanh Hải cũng một thời làm bầu gánh. Đó là vào năm 1970, Thanh Hải đã liên kết với danh hài Văn Hường lập gánh hát Thanh Hải-Văn Hường.

Sau năm 1975, Thanh Hải vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật khi tham gia biểu diễn cho nhiều đoàn khác nhau ở tỉnh và Sài Gòn. Đến năm 1988, dường như Thanh Hải bắt đầu ngừng đi diễn.

Rồi năm 2006, khi liên danh Lệ Thủy-Minh Vương đứng ra lập sân khấu vàng để tái diễn những vở tuồng kinh điển với những gương mặt nghệ sỹ thế hệ vàng, thì người ta thấy Thanh Hải tái ngộ khán giả cùng nữ nghệ sỹ Ngọc Hương với những trích đoạn gắn liền với tên tuổi hai người.

Mấy mươi năm đi hát, Thanh Hải đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người mộ điệu trong rất nhiều tuồng cải lương hay, có thể kể một số như: Hai Chiều Ly Biệt, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Nửa Bản Tình Ca, Lưới Tình, Manh Áo Quê Nghèo, Mạnh Lệ Quân, Hoa Mộc Lan, Đào Hoa Khách Tuyệt Tình Nương…

Đặc biệt trong vở Lưới Tình, trong vai trò kép chánh Quách Tĩnh, Thanh Hải đã được trao Huy chương vàng xuất sắc giải Thanh Tâm vào năm 1967.

Giải Thanh Tâm là một giải thưởng danh giá nhất của sân khấu cải lương, được nhà báo Trần Tấn Quốc chủ trì tổ chức từ năm 1958 đến năm 1967, và chỉ có 6 nghệ sỹ vinh dự được nhận Huy chương vàng xuất sắc là: Thanh Nga, Thành Được, Bạch Tuyết, Hữu Phước, Ngọc Giàu và Thanh Hải.

Ta thấy, đối với giải Triển vọng Thanh Tâm, thì có những nghệ sỹ sau khi đoạt giải mà có lẽ do không được Tổ đãi nên tiếng vang và sự nghiệp cũng không tiến triển lắm. Nhưng đối với 6 cái tên nhận giải xuất sắc nói trên thì tất cả đều đã thành công vang dội.

Vua ngâm tao đàn

Tuy nhiên, khi nhắc đến Thanh Hải thì người mộ điệu nghĩ ngay đến giọng ca chứ không phải các vai tuồng.
Thanh Hải đã thu âm với hầu hết các hãng đĩa hàng đầu trên thị trường cổ nhạc lúc bấy giờ, như Tứ Hải, Việt Hải, Hồng Hoa, Asia, Việt Nam… và để đời vô số bài vọng cổ thuộc hàng tuyệt tác như: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Chén cơm cúng mẹ, Gánh bưởi Biên Hòa, Hán Đế Biệt Chiêu Quân, Ly Biệt, Tiếng chuông thức tỉnh…

Có lẽ Thanh Hải có một giọng ca quá đặc sắc, và đặc sắc đến mức đã che mờ các vai diễn của ông, dù rằng ông cũng là một tay diễn lão làng.

Như đã nói, chính giọng ca Út Trà Ôn đã “lôi kéo” Thanh Hải đến với cải lương. Bởi vậy, giọng ca Thanh Hải trước sau vẫn thuộc trường phái Út Trà Ôn, tức là ca thiên về tính chân phương.

Cần phải thừa nhận một thực tế rằng, vọng cổ mang tính bác học nhưng lại có xuất thân bình dân, nên cái hồn của vọng cổ chính là nét chân phương bình dị, không điệu đà kiểu vẻ. Ai giữ được cái hồn của vọng cổ thì tự nhiên sẽ vững vàng vị trí trong con tim người mộ điệu. Đó là lí do tại sao dù đã xuất hiện biết bao giọng ca thiên về hoa lá nổi danh như cồn mà cái vương vị Vua Vọng Cổ vẫn luôn thuộc về Út Trà Ôn.

Thanh Hải có giọng đồng và giọng ca có âm vực rộng như Út Trà Ôn. Cách sắp chữ của Thanh Hải cũng rất giống Út Trà Ôn: sắp chữ rất đều ở các khuôn và rất chuẩn về ý nghĩa câu từ.

Một điểm giống nữa giữa giọng ca Thanh Hải và Út Trà Ôn đó là giọng ca rất có thần, tức chất chứa được tâm tình của nhân vật cần thể hiện, mà người ta chỉ cần nghe thôi chứ không cần nhìn mặt cũng cảm được đầy đủ tâm trạng của nhân vật. Nói cách khác đó là giọng ca có chiều sâu tình cảm. Đây là một điều nói thì dễ nhưng thực tế thì không có nhiều nghệ sỹ đạt được, nhất là thế hệ nghệ sỹ trẻ ngày nay thì càng hiếm.

Tuy chịu ảnh hưởng của bậc tiền bối Út Trà Ôn, nhưng giọng ca Thanh Hải đã tạo được nét riêng. Ta thấy giọng Thanh Hải hơi « nhẹ » hơn giọng Út Trà Ôn. Thanh Hải cũng có cách vuốt chữ « nhẹ » và « mỏng » hơn Út Trà Ôn.

Tuy nhiên, dấu ấn đậm nhất của Thanh Hải đó là lối ngâm thơ tao đàn độc đáo của ông, lối ngâm đã đưa ông đến với vương vị “Vua Tao Đàn”.

Hai chữ “tao đàn” có thể hiểu đơn giản là “Câu lạc bộ của những tao nhân mặc khách”. Tức của các nhà thơ nói chung.

Trong lịch sử Việt Nam, ta thấy hồi cuối thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông của nhà Hậu Lê đã lập một hội thơ gọi là Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú. “Nhị thập bát Tú” tức 28 vì sao sáng, bởi vì tương truyền hội này qui tụ 28 vị trí giả mà đứng đầu là Lê Thánh Tôn gọi là “Nguyên Súy”.

Đến gần giữa thế kỉ 18, thì Mạc Thiên Tứ cũng là «Nguyên súy » của một hội thơ ở đất Hà Tiên mang tên Tao Đàn Chiêu Anh Các.

Đến thế kỷ 19, ta thấy ở vùng Gia Định cũng xuất hiện hai Tao Đàn lớn do các nhà nho cùng nhau lập nên, đó là Bình Dương Thi Xã và Bạch Mai Thi Xã. Đó là nơi các nhà thơ gặp nhau để cùng xướng họa.

Rồi đến năm 1954, sau hiệp định Genève phân chia hai miền Nam-Bắc ở vĩ tuyến 17, thì trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn xuất hiện một chương trình thi ca mang tên “Ngâm thơ Tao Đàn”. Đây là một chương trình giới thiệu thi ca Việt Nam có xướng ngâm minh họa. Những giọng ngâm nổi tiếng lúc bấy giờ có Hồ Điệp, Hoàng Oanh. Và chính giọng ngâm của Hồ Điệp đã đưa Thanh Hải đến với lối ngâm tao đàn trong cải lương.

Cách ngâm thơ của người Việt rất độc đáo, không đọc bình thường hoặc trang trọng, mà ngâm như hát vậy. Miền Bắc thì có cách ngâm của miền Bắc, miền Trung thì có cách ngâm của miền Trung. Miền Nam cũng vậy, ở vùng đất này có lẽ nổi nhất là hai loại ngâm thơ: ngâm thơ Vân Tiên và Ngâm thơ Tao đàn.

Ngâm thơ Vân Tiên thường áp dụng cho loại thơ lục bát vì truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu thuộc thể thơ lục bát.

Trong làng cải lương, ngâm thơ Vân Tiên hay nhất có lẽ là Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Giọng Út Trà Ôn rặt Nam Bộ lại rất chân phương, âm vực rộng, làn hơi mạnh, giọng đồng ấm áp, bởi vậy nghe Út Trà Ôn ngâm thơ theo lối Vân Tiên thì không mê cũng phải mê.

Nếu Út Trà Ôn là “Vua ngâm thơ Vân Tiên”, thì Thanh Hải là « Vua ngâm thơ Tao Đàn ».

Ngâm thơ theo lối Tao Đàn thì ngâm như hát nói vậy. Đây là một lối ngâm có vẻ tự do, nhưng nghe rất hay, rất mượt mà và trữ tình. Người ngâm cần có giọng có chiều sâu tình cảm và âm vực rộng để ngân nga trải dài làn hơi theo câu thơ. Và giọng của Thanh Hải đã hội đủ những yếu tố cần thiết đó.

Tuy nhiên có giọng trời ban còn chưa đủ. Mà Thanh Hải đã phải bỏ công khổ luyện. Số là Thanh Hải thích giọng ngâm Tao Đàn của nữ nghệ sỹ Hồ Điệp, nên ông đã nghiên cứu và « luyện » ngâm Tao Đàn. Sau đó, Thanh Hải đã đã mạnh dạn đưa lối ngâm Tao Đàn vào sân khấu cải lương qua các vai tuồng và các bài vọng cổ mà ông thể hiện.

Cách ngâm Tao Đàn của Thanh Hải cũng đã chi phối cách nối lối của ông trong những bài vọng cổ. Thanh Hải nói lối rất trữ tình và rất có tính thơ.

Tuy là học theo lối ngâm Tao Đàn của Hồ Điệp, nhưng cách ngâm của Thanh Hải rất riêng, dù là Tao Đàn nhưng không giống như các giọng ngâm tao đàn lừng danh như Hồ Điệp hay Hoàng Oanh, bởi vì ngâm Tao Đàn của Thanh Hải là ngâm tao đàn trên sân khấu cải lương. Thanh Hải có cách vuốt chữ ấm và nhẹ, mỏng làm cho cách ngâm Tao Đàn của ông trở nên rất đẹp và rất cải lương. Có lẽ vì thế mà các soạn giả thời đó đã thi nhau đưa tối đa những câu thơ có thể ngâm theo lối Tao Đàn vào những vở tuồng hoặc bài vọng cổ cho Thanh Hải thể hiện theo kiểu đo ni đóng giày.

Trong làng cải lương, không phải các nghệ sỹ khác ngâm tao đàn không hay, nhưng để đạt được độ thẩm thấu như giọng ngâm của Thanh Hải thì đến hiện tại quả thật chưa thấy có ai.

Cũng giống như hầu hết nghệ sỹ thế hệ vàng, Thanh Hải xuất thân hàn vi, bôn ba kiếm sống. Chính sự từng trải trên đường đời đã cho Thanh Hải những kinh nghiệm thực tế, và ông đã đưa được những sắc thái tình cảm có từ thực tế đó vào giọng ca và vai diễn. Tức là ca diễn bằng trải nghiệm thực tế chứ không phải chỉ dựa trên lí thuyết. Cách ca diễn trải nghiệm thực tế này đang rất thiếu ở thế hệ nghệ sỹ trẻ hiện tại bởi thế mà lời ca và vai diễn của họ hình như thiếu chiều sâu.

Sự thành công của giọng ca Thanh Hải cũng là một minh chứng cho tính cần thiết của sự khổ luyện ở người nghệ sỹ để tạo ra cái riêng, cái độc đáo cho mình trên cơ sở học hỏi người đi trước. Cách ca của Thanh Hải nằm trong trường phái Út Trà Ôn mà rất khác giọng ca Út Trà Ôn. Cách ngâm Tao Đàn của Thanh Hải được thành công đến như vậy thì rõ ràng ngoài giọng trời phú ra, phần quyết định thuộc về sự khổ luyện. Điểm này thì hình như cũng đang rất thiếu ở thế hệ nghệ sỹ trẻ hiện tại.

Giọng ca Thanh Hải chân phương, bình dị, có chiều sâu nội tâm. Sự thành công của giọng ca Thanh Hải một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải giữ cái hồn chân phương và bình dị của bản vọng cổ. Thế hệ nghệ sỹ cải lương trẻ hiện tại dường như đa phần quá chăm chút về kỹ thuật ca, tức chỉ lo phát âm cho chuẩn, cho rõ từng chữ một, cho đúng chính tả, mà xem nhẹ phần cốt yếu của bản vọng cổ là phải chân phương nhưng đậm đà tình cảm. Vì thế, giọng ca của họ nghe thì đầy đủ bài bản, nào là tròn vành rõ chữ, nào là phát âm đúng chính tả, nhưng lại thiếu chiều sâu nội tâm, thiếu cái hồn vọng cổ.

Ngày 16/9/2014 vừa qua, giọng ca Thanh Hải đã ngừng vĩnh viễn. Sân khấu cải lương đã mất đi một trong những giọng ca thuộc hàng lão làng và trụ cột. Đến hiện tại chưa thấy có ai kế thừa được giọng ca Thanh Hải, và trong tương lai thì có lẽ khó tìm được một giọng ca như vậy.

Hòa trong niềm tiếc thương của những người mộ điệu, chương trình đờn ca tài tử định kỳ tháng 10 vừa qua do Hội bảo tồn cải lương Về Nguồn của nhóm nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân tổ chức tại Paris đã dành một thời lượng đáng kể tưởng nhớ về giọng ca Thanh Hải. Cả khán phòng đã dường như ngừng thở khi ban tổ chức cho phát giọng ca Thanh Hải trong bài vọng cổ trứ danh Tần Quỳnh Khóc Bạn của soạn giả Viễn Châu.

Vĩnh biệt Thanh Hải, vĩnh biệt một trong những giọng ca đặc sắc nhất của làng cổ nhạc miền Nam, vĩnh biệt ông « Vua Tao Đàn » chưa có người thừa kế của « Vương quốc » Cải lương !

Tư liệu
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Re: Vua Tao Đàn Thanh Hải

Gửi bàigửi bởi ngovanhinh » Tháng tám 29, 2019, 11:41 am

Với những người yêu cải lương, chẳng ai xa lạ với những tác phẩm kinh điển của cố nhạc sĩ Viễn Châu, chính ông đã để lại một mốc son chói lọi cho lịch sử cải lương dân tộc, từ những bài ông viết mới làm lên tên tuổi của các nghệ sĩ thế hệ sau, điển hình là "vua cải lương" Minh Vương, "vua vọng cổ" Minh Cảnh, "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết, Lệ thủy, Vũ Linh...

Mời quý khán giả mộ điệu cùng thưởng thức những tuyệt phẩm tân cổ, cải lương của cố soạn giả Viễn châu qua giọng ca của "cặp bài trùng sân khấu" Minh Vương và Lệ Thủy:

- Tân Cổ Giao Duyên Minh Vương Lệ Thủy – Đỉnh cao trước 1975: https://cailuongtheatre.vn/tan-co-giao-duyen-minh-vuong.../

- Cải lương Minh Vương, Lệ Thủy – 10 Trích Đoạn Kinh Điển: https://cailuongtheatre.vn/cai-luong-minh-vuong-le-thuy.../

- Ca Cổ Minh Vương, Lệ Thủy – Tuyển tập 14 Bài Hay Nhất: https://cailuongtheatre.vn/ca-co-minh-vuong-le-thuy.../

- Tân Cổ Minh Vương, Lệ Thủy – 18 bài chọn lọc hay nhất: https://cailuongtheatre.vn/tan-co-minh-vuong-le-thuy-18.../
RANDOM_AVATAR
ngovanhinh
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Tháng sáu 12, 2019, 11:18 pm
Đến từ thành phố: Hà nội
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0


Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron