Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Bộ toàn tập nhân 40 năm thành lập nhóm Téléphone

Âm nhạc

Bộ toàn tập nhân 40 năm thành lập nhóm Téléphone

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng mười hai 06, 2015, 8:28 am

Năm 2016 đánh dấu 40 năm ngày thành lập nhóm Téléphone, mà cho tới giờ này vẫn được xem như là ban nhạc rock nổi tiếng nhất của Pháp. Ngoài các chương trình truyền hình, sách báo chuyên đề, phim ảnh tư liệu, làng nhạc Pháp còn đánh dấu sự kiện này với cùng lúc hai tuyển tập : trước hết là album ‘’Téléphone Tribute’’ của giới nghệ sĩ trẻ thời nay, kế đến là bộ toàn tập của nhóm này, lần đầu tiên được phát hành.

[youtube1]EURVaKU41OQ&list=PLJJrwyyF9MsAEYNZrcFZVtYN-8Tfi4EQ5[/youtube1]

Bộ toàn tập của ban nhạc Telephone gồm mười cuộn CD, trong đó có năm album studio chính gốc với lối hoà âm chỉnh lại, hai tập nhạc live và ba tập phụ trội bao gồm các phiên bản ghi âm thử (demo), các bài hát ít được phổ biến hoặc chưa được phát hành trên băng đĩa.

Song song với bộ toàn tập này, có album mang tựa đề ‘’Téléphone Tribute’’, qua đó hai nhóm nhạc rock Pháp Superbus và Skip The Use dẫn đầu giới nghệ sĩ trẻ thời nay, ghi âm lại các bài hát nổi tiếng của Téléphone hầu vinh danh bậc đàn anh. Album studio cuối cùng của ban nhạc Téléphone mang tựa đề ‘’Un autre monde’’ (Một Thế Giới Khác), khép lại một thập niên thành công ngoạn mục.

Téléphone là một ban nhạc rock Pháp thành lập vào năm 1976 để rồi rã đám vào tháng Tư năm 1986, sau 10 năm ăn khách liên tục. Nhóm này gồm 4 thành viên là Jean-Louis Aubert (sáng tác & hát chính), Louis Bertignac (ghi ta & sáng tác), Corine Marienneau (chơi bass & sáng tác) và Richard Kolinka (đàn bass & trống). Trong vòng mười năm hoạt động : từ năm 1976 đến năm 1986, nhóm này đã biểu diễn tại hơn 250 nhà hát khác nhau và phát hành năm album phòng thu (studio).

Téléphone cũng là một trong những ban nhạc rock hiếm hoi hát tiếng Pháp mà vẫn bán chạy ở nước ngoài. Nhóm này đã bán hơn 6 triệu album chỉ trong vòng một thập niên, trong khi ban nhạc Indochine bán hơn 10 triệu album trong gần 40 năm hoạt động. Vào giữa những năm 1970, các ban nhạc rock trẻ của Pháp thời bấy giờ (như Magma, Ange, Zoo, Variations ….) mặc dù được giới trẻ hưởng ứng, nhưng họ lại không có được sự hậu thuẫn của các công ty phát hành băng đĩa.

Do thiếu vắng các chiến dịch quảng cáo, đầu tư thương mại, cho nên họ ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, kể cả làn sóng phát thanh hay các kênh truyền hình. Sự bùng nổ của phong trào nhạc punk đến từ Anh quốc thay đổi cục diện này và ban nhạc Téléphone có cơ hội để phát huy tài năng của mình.

Ban nhạc Téléphone ra đời trong hoàn cảnh ‘’bất đắc dĩ‘’. Nhân một buổi văn nghệ tại trung tâm văn hóa thanh niên ở đại lộ Raspail, ca sĩ chính của nhóm là Jean-Louis Aubert cùng với bạn học là Richard Kolinka mới kết nạp thêm thành viên cho đủ nhóm. Louis Bertignac mới rủ bạn gái của anh thời bấy giờ cùng tham gia ban nhạc (do cả hai đều là cựu thành viên của nhóm Shakin 'Street).

Tuy đồng ý chấp nhận do hoàn cảnh bó buộc, nhưng thật ra trong thâm tâm, Jean-Louis Aubert không hài lòng cho lắm. Bởi vì anh muốn lập một ban nhạc rock theo mô hình của nhóm Rolling Stones, mỗi thành viên đều có thể tham gia sáng tác và nhất là tuyệt đối tránh đưa bạn gái vào trong nhóm, để tránh xích mích nội bộ, nhất là khi sau đó cặp tình nhân này lại chia tay nhau, mỗi người đi một đường, dù rằng họ vẫn đứng chung sân khấu.

Về lâu về dài, thái độ khiên cưỡng của Jean-Louis Aubert khiến cho Corinne, gương mặt nữ duy nhất của nhóm cảm thấy cô bị hất hủi, vai trò cũng như chỗ đứng trong ban nhạc bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Đó là mầm mống gây bất đồng, dẫn tới sự chia tay của ban nhạc Téléphone, 10 năm sau.

Dù gì đi nữa, nhóm Téléphone thành công rực rỡ ngay từ đĩa hát đầu tay (Hygiaphone). Cả nhóm tự bỏ tiền ghi âm đĩa nhựa đầu tiên, để bán cho khán giả sau mỗi đợt biểu diễn. Chính một bài báo viết trên tạp chí "Rock & Folk" mới thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất. Téléphone ký hợp đồng ghi âm ba album (với hãng đĩa Pathé-Marconi) chưa đầy một năm sau khi được thành lập. Gợi hứng từ trường hợp của John Lennon và Paul McCartney của nhóm The Beatles, hầu hết các ca khúc của nhóm Téléphone đều được ký tên Aubertignac (nguyên là chữ ghép từ hai cái tên Aubert và Bertignac).

Ngoại trừ album đầu tiên với lượng tiêu thụ lên tới 500.000 bản (tương đương với đĩa bạch kim, hầu hết các album còn lại của Téléphone đều lập kỷ lục số bán với hơn một triệu bản trở lên (tức đĩa kim cương). Sở dĩ nhóm Téléphone ăn khách nhanh chóng là vì họ xuất hiện quá đúng lúc, nhạc rock Pháp vào những năm 1970 còn là một vùng đất hoang sơ, ít được khai thác do không có nhà sản xuất nào dám mạo hiểm vào.

Thành công vượt bực của nhóm Téléphone còn chủ yếu nhờ vào sự hợp tác hoà âm của giới sản xuất nhạc rock Anh Mỹ, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Mike Thorne, Martin Rushent, Bob Ezrin, Glyn Johns từng làm việc với các nghệ sĩ và ban nhạc quốc tế như Alice Cooper, Lou Reed, Pink Floyd hay Peter Gabriel thuộc nhóm Genesis ….

Hai yếu tố đó khi gộp lại đã tạo ra một luồng gió mới trong làng nhạc Pháp thời bấy giờ, trước năm 1976, giới trẻ ở Pháp thường hay nghe nhạc rock Anh Mỹ, sau ngày nhóm Téléphone ra đời, họ mới được nghe một cách rộng rãi một ban nhạc rock người Pháp, hát bằng tiếng Pháp mà vẫn gân cốt cứng cựa, từ phong cách đến âm thanh tràn đầy sức sống không kém gì ban nhạc huyền thoại The Rolling Stones. Trong các liên hoan nhạc rock quốc tế, nhóm Téléphone xuất hiện bên cạnh các tên tuổi lớn như Iggy Pop, Steve Hillage, Led Zeppelin hay Eric Clapton …..

Kể từ album thứ tư, nhóm Téléphone thực hiện giấc mộng vươn ra biển lớn khi ký hợp đồng ghi âm (vào năm 1981) với hãng đĩa Virgin Records của nhà tỷ phú người Anh Richard Branson. Uy tín của ban nhạc Pháp lan rộng sang khắp châu Âu, nhưng lại gặp thất bại tại Canada và Hoa Kỳ, do không được phân phối rộng rãi và nhất là nhóm Téléphone không hề ghi âm một bài hát nào trong tiếng Anh hầu làm bàn đạp chinh phục thị trường Bắc Mỹ.

Thất vọng nhưng không chán nản, ban nhạc Téléphone ngoài việc giành lấy ngôi vị quán quân trên thị trường album tại Pháp, còn lập thêm kỷ lục mới đầu những năm 1980, khi biểu diễn trong phần đầu của nhóm The Rolling Stones mà họ hằng ngưỡng mộ. Buổi biểu diễn (vào năm 1982) tại trường đua ngựa Hippodrome d’Auteuil đã thu hút hơn 80.000 khán giả.

Sự thành công của Téléphone mở đường cho nhiều ban nhạc trẻ khác lao vào khai thác nhạc rock. Ban nhạc Trust chẳng hạn cạnh tranh trực tiếp với Téléphone, còn nhóm Indochine sau một thời gian chơi pop điện tử, chuyển sang khai thác nhạc rock, một khi sân chơi bị bỏ trống, sau khi nhóm Téléphone rả đám. Vào mùa xuân năm 1986, giới hâm mộ hết sức ngạc nhiên khi được biết là sau 10 năm hoạt động liên tục, ban nhạc Téléphone rốt cuộc đành phải chia tay, cho dù họ vẫn đang trên đỉnh thành công.

Bất đồng nội bộ trở nên quá sâu đậm, xích mích tỵ hiềm biến thành thù hằn cá nhân (nhất là giữa hai thành viên Jean-Louis Aubert và Corine Marienneau). Những năm sau đó, ban nhạc Téléphone đã nhiều lần có dự án tái hợp, nhưng do không có sự đồng thuận nhất trí, cho nên một số thành viên cũ khi cùng biểu diễn với nhau, buộc phải lấy tên khác (Les Insus), chứ không thể dùng lại thương hiệu Téléphone, y như quy định ghi trên hợp đồng. Ba thập niên sau ngày tan rã, nhóm Téléphone đã có nhiều ban nhạc thừa kế, tiếp nối con đường mà họ đã khai phóng, nhưng cho tới nay vẫn chưa có nhóm nào xứng đáng làm cánh chim đầu đàn, gương mặt tiên phong.

Tuấn Thảo
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh hà,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Quay về ÂM NHẠC (Music)

Points: 0

cron