Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Khiêu vũ Sàigòn - Những con mắt nhìn

Các vũ điệu giao tiếp Sài Gòn như Bebop, Twist, Tango, Rumba, Pasodoble, Valse..

Khiêu vũ Sàigòn - Những con mắt nhìn

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng sáu 08, 2012, 2:43 pm

Xin trích đăng một góc nhìn về Khiêu vũ Sàigòn của nick XT đăng trên
http:// yume.vn/ dontmakemecry/ article/ khieu-vu-va-khieu-vu-the-thao-nhung-suy-nghi-lech-lac.35CE355F.html

Khiêu vũ và khiêu vũ thể thao, những suy nghĩ lệch lạc
10/05/2010 19:12

Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của bộ môn thể thao nghệ thuật mới mẻ DanceSport ( khiêu vũ thể thao ) với sự tiên phong của cặp đôi Hải Anh - Hồng Thi ( nghệ danh : Chí Anh - Khánh Thi ) trên đấu trường thể thao Châu Á đã mang lại làn gió mới cho làng thể thao Việt Nam. Tuy rằng cho đến hiện nay, các Vận động viên Việt Nam chưa thực sự gặt hái được 1 thành tích cao nào trong các giải thi đấu mang tính Châu Lục hay Quốc tế ( trừ một số giải mở rộng mang tính phong trào thường niên của các nước hay như kiểu lấy giải cho nước Chủ nhà bằng cách bóc tách các vũ điệu đơn lẻ như AIGame II I vừa qua tại Việt Nam, thay bằng quy luật trước đến nay là 3 điệu, 5 điệu và toàn năng như quy luật trước giờ ), xong đây cũng là dịp để các bạn trẻ yêu thể thao, muốn theo đuổi con đường thể thao có thêm cơ hội lựa chọn cho mình một bộ môn mới mẻ và cũng đầy sức hấp dẫn này, nhất là trong thời điểm mô hình khiêu vũ phổ thông đang trên đà phát triển ở khắp nơi cũng là điều kiện giúp cho các bậc cha mẹ cởi mở hơn với niềm đam mê của lớp con cháu .

Tuy nhiên, việc quảng bá bộ môn khiêu vũ thể thao đang có nhiều xu hướng lệch lạc đối với khiêu vũ truyền thống ( Giao tiếp, giải trí ), khiến cho nhiều người lao theo học, kể cả những người lớn tuổi nhằm tìm đến 1 ...thứ Chuẩn mực.. không hề có tính khả thi. Tại sao lại nói như vậy, trước tiên phải tìm hiểu sự khác biệt giữa 2 dòng Khiêu vũ này :

1 - Ballroom Dance - Khiêu vũ phổ thông, hay còn gọi là những điệu nhẩy đôi : Đây là loại hình giải trí xuất hiện lâu đời, với sự đa dạng của các vũ điệu từ trong giới quý tộc đến dân dã. Trải qua sự phát triển của lịch sử mà đến nay, Khiêu vũ trở nên phổ cập đối với tất cả các giới, các tầng lớp người ở khắp nơi trên thế giới. Nó được xem như 1 phương tiện giải trí, thư giãn hữu hiệu và hết sức lịch lãm, văn minh. Và được tổ chức dưới nhiều hình thức như Câu lạc bộ, trong các bữa tiệc ( party ) hay những vũ trường Khiêu vũ như ở Việt Nam hiện nay. Ballroom được đưa lên sân khấu với các quy chuẩn khác biệt của bộ môn múa nhằm tạo ra sự khác biệt trong Khiêu vũ nghệ thuật .

Đến với khiêu vũ phổ thông, bạn cần được học những bước nhẩy căn bản và học cách thẩm âm 1 cách tương đối để có thể hòa theo tiếng nhạc. Có thể đầu tư hoàn chỉnh hơn với sự lựa chọn học và nghiên cứu những bước nhẩy và kỹ thuật khiêu vũ ở mức cao hơn. Từ đó mà trong mỗi không gian, trong mỗi thời điểm của tâm trạng, thậm chí sự cảm hứng với mỗi người bạn nhẩy khác nhau mà bạn có thể hòa quện mình với âm nhạc và vũ điệu mà sáng tạo ra những bước nhẩy mới hơn. Hoặc bạn cũng có thể mượn vũ điệu để làm quen, để tâm sự hoặc để giao tế trong công việc .

Khiêu vũ phổ thông không bó buộc bạn vào phục trang. Bạn có thể sử dụng những trang phục thông thường ( tùy theo từng khung cảnh ) để đảm bảo phù hợp. Có thể là trang phục dạ hội trong những buổi party, có thể là quần áo công sở ..miễn sao lịch lãm và văn minh trong vũ trường. Cũng có thể là áo phông, quần jean với đôi giầy thể thao... trong những buổi picnic..và ở những môi trường đó, bạn có thể gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi bạn nhẩy để tạo nên không khí vui và hòa đồng mới .

1 - Khiêu vũ thể thao ( Dance Sport ) : Đây là bộ môn phát triển từ Ballroom trong xã hội hiện đại, nhưng thuật ngữ này được áp dụng trong 1 phạm vi hẹp dành cho sự gắn kết của các cặp vận động viên thi đấu với những quy chuẩn hết sức chặt chẽ, có thể nói là đòi hỏi cao hơn so với nhiều bộ môn thi đấu khác :

- Về cơ bản, KVTT đã có những quy chuẩn trong từng chuyển động của cơ thể, từ ức đến gót chân, cạnh ngoài, cạnh trong của chân, đến gối, hông, bụng ngực, vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay, cổ đầu, và thậm chí cả ánh mắt... được phân định rõ trong từng vũ điệu và khác biệt rõ ràng giữa latin hay standar. Chính vì vậy, để tập luyện KVTT, người vận động viên cần phải đầu tư hết tâm sức vào sự luyện tập và phải "chung thủy" với bạn nhẩy của mình nhiều năm mới có thể gặt hái được chút thành công. Có thể điểm mặt những cặp đôi nổi tiếng trên thế giới, hầu hết họ phải tập luyện với nhau hàng chục năm, nhiều cặp được tập luyện từ khi còn nhỏ .

- Về trang phục : Đây là 1 điều kiện bất khả kháng đối với bộ môn KVTT: Họ phải được đầu tư trang phục 1 cách đồng bộ cho cả nam lẫn nữ trong từng vũ điệu ( từ giầy, đến váy, áo và phụ kiện ) nhằm tôn lên vẻ đẹp hình thể và biểu trưng cho vũ điệu đó. Nếu như ở những vũ điệu Standar là lối trang phục tạo nên vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm, thì ở những vũ điệu latin, người ta thấy được sức lôi kéo đầy gợi cảm của những nét hình thể ngay từ trong sự "thông thoáng" của trang phục đến sự kết nối giữa đôi nhẩy để tạo nên 1 vũ điệu hoàn hảo .

- Về nguyên tắc bất thành văn : KVTT là 1 môn thể thao thi đấu, buộc người ta rèn luyện tập rượt 1 cách trung thành với 1 người bạn nhẩy. Nếu có sự thay đổi, buộc họ phải tập luyện lại rất lâu với 1 người bạ nhẩy mới để tạo nên sự ăn ý. Điều này đồng nghĩa với việc : Không thể đem khiêu vũ thể thao để giao tiếp thuần túy trong cộng đồng .

Nhưng thực trạng nhiều lúc từ hệ thống truyền thông như VTV6 đến 1 số báo chí lại tán dương 1 cách lạ lùng dẫn đến sự nhìn nhận lệch lạc của đa phần giới trẻ và cũng khá nhiều người lớn tuổi. Họ nhìn nhận lệch lạc giữa KVTT với Ballroom thuần túy giải trí. Từ đó mà sinh ra nhiều người, thậm chí nhiều cơ quan, doanh nghiệp tổ chức học theo phong cách KVTT. Không hiểu học như vậy họ sẽ vận dụng thế nào trên sàn khiêu vũ, trong các cuộc party ... với những đối tác và bạn bè. Không hiểu họ có cảm thấy kệch cỡm khi giữa không gian khiêu vũ thuần túy họ lại ăn mặc, thể hiện như ...thi đấu hay không ?

Mặt khác, theo quan điểm cá nhân những phương tiện truyền thông cần có sự sáng tạo, đổi mới một cách có hiểu biết đúng đắn với những chương trình của mình. Thời gian gần đây, chưa cần nhắc đến kịch bản phim nhái theo nước ngoài, nhiều chương trình giải trí cũng ăn theo quá nhiều, quá nhàm chán. Ví như : Vũ điệu xanh - phải chăng ăn theo chương trình Khiêu vũ của các trường trung học Mỹ ? Chương trình Khiêu vũ cùng ngôi sao - Không khác gì chương trình khiêu vũ của các ngôi sao Thúy Nga paris 93 : Celebrity Dance ???

Phải chăng tài năng của những nhà đài chỉ có vậy, chỉ biết sào nấu lại của thiên hạ mới có chương trình ? Mà hệ quả của nó thì .. chẳng bao giờ hấp dẫn hơn được. Nhưng cứ bảo thủ và bảo thủ ???

Một vài hình ảnh về trang phục, giầy của KVTT để mọi người suy ngẫm

Ballroom phổ thông

(hình ảnh không còn)

Thật vui nhộn và thoải mái phải không ?

Còn đây là KVTT

(hình ảnh không còn)

Hết sức tình tứ và cởi mở đấy chứ, nhưng để "ăn điểm" thì ngoài trang phục, kỹ thuật và tốc độ cần sự tập trung rất cao, có thể gọi là căng hết tinh thần mới thành công trong vũ điệu được ( Làm sao mà giao tiếp, mà vui được đây )

Và như thế này còn là may mắn hơn nhiều khi bạn có thể dành chút thời gian ngồi "canh" trên sàn nhẩy với những kiểu trang phục không phù hợp với hoàn cảnh, bản thân, thậm chí tuổi tác .

(hình đăng không còn)

Ở những điệu Standar với trang phục lịch lãm, sang trọng này thì không thể sắm sửa để dự party được ...

Có rất nhiều, rất nhiều những khác biệt trong phục trang, giầy, hay từ những bước cơ bản đến cao cấp, kỹ thuật căn bản đến cao cấp trong KVTT .

Đừng để bạn trở thành lố bịch và như người kém hiểu biết khi tham gia sân chơi cộng đồng !
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Re: Khiêu vũ Sàigòn - Những con mắt nhìn

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng sáu 09, 2012, 3:43 pm

Xem một đoạn phóng sự của báo Tuổi Trẻ nói về phong trào khiêu vũ Sai gon

Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0

Re: Khiêu vũ Sàigòn - Những con mắt nhìn

Gửi bàigửi bởi dancing » Tháng năm 23, 2014, 8:54 pm

:D Cho các bạn một địa chỉ quý giá nơi may đo váy nhẩy mới xuất hiện tại TPHCM, người Việt kiều làm : 216 đường đề thám.Quận 1
RANDOM_AVATAR
dancing
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Tháng năm 23, 2014, 7:08 pm
Điểm (Points): 0
Handphone: 0

Re: Khiêu vũ Sàigòn - Những con mắt nhìn

Gửi bàigửi bởi docco » Tháng sáu 24, 2014, 11:39 am

Đây là bài viết của nhà báo Hà Linh Quân, đăng trên báo Lao Động vào năm 1998, khi phong trào khiêu vũ mới bắt đầu nhen nhóm, chưa phát triển mạnh như bây giờ. Bài này không hẳn là viết về tango, là về khiêu vũ nói chung, mà tango cũng là một điệu nhảy.


Người Hải Phòng khiêu vũ

Anh P. là một kĩ sư Tây học, tâm hồn lãng mạn, thích nghe nhạc Beethoven, đọc văn chương của M. Proust. Vậy mà có ai rủ đến vũ trường là anh xua tay nhăn mặt. Quan niệm khiêu vũ là thứ nhảy nhót của tầng lớp người hưởng lạc, sa đọa còn đeo bám dai dẳng trong đầu anh từ thời chiến tranh.

Cho đến một ngày cuối năm 1996. Tại cuộc hội thảo khoa học quốc gia ở Sài Gòn, anh P. gặp một cô gái thông minh, dịu dàng, đúng hình mẫu người phụ nữ trong mộng của anh. Song vốn nhút nhát đã 40 năm, anh không dám chủ động tìm đến cô. Trong bữa tiệc đứng kết thúc hội thảo, anh P. ngồi với một đống đồ ăn nguội ở góc phòng nhìn các đồng nghiệp khiêu vũ. Anh bỗng nhiên thấy lạc lõng. Và khi dàn nhạc nổi lên bản Valse “Hoàng đế”, thật bất ngờ là cô đã đến trước mặt anh, giơ tay ra. Anh P. cố nặn lấy nụ cười héo hon xin lỗi – Anh không biết nhảy! Khi cô ngượng ngùng vì bị từ chối bỏ đi, anh tự rủa mình thậm tệ. Lúc ấy giá có thể đổi 2 năm nghiên cứu về những Công ước Hàng hải Quốc tế lấy các bước nhảy cơ bản, anh cũng OK! Từ đó hai người không gặp lại nhau. Anh P. cũng bắt đầu đi học nhảy. Không phải anh hi vọng một ngày nào đó sẽ mời lại cô bản Valse “Hoàng đế”, mà chỉ vì anh bỗng giác ngộ rằng Khiêu vũ cũng là văn hóa. Không biết khiêu vũ cũng như không biết thi ca, âm nhạc.

Con đường đến với sàn nhảy của anh B. không bắt đầu từ Sài Gòn mà ngắn hơn nhiều – Từ đường Lê Lợi đến góc đường Điện Biên Phủ. Anh không thuộc diện người đi giầy Tây bốn mùa như anh P. Anh làm nghề lái xe ôm. Hàng tối, anh phải đưa đi đón về một bà “sồn sồn” hay nhảy. Mới đầu anh ngồi từ xa thấy bà ta nhảy thấy hay hay. Anh dậm chân dưới gầm bàn, rồi tiến ra sàn, dẫm liên tục lên chân người bạn nhảy. Anh chẳng bận tâm đến vấn đề siêu hình: Giá trị thẩm mỹ hay ý nghĩa đạo đức của khiêu vũ. Anh đi nhảy như đi chơi, về nhà thấy ngủ ngon hơn. Thực ra anh đã thay đổi rồi đấy! Bây giờ anh lái xe ôm nhưng vận vét, đeo cà vạt. Có hôm, đi xong một bản Tango, anh đưa khách từ sàn nhảy về nhà, anh không lấy tiền. Đã đi nhảy rồi thì phải lịch sự!

Đúng, phải lịch sự! Anh D. và một vài người giống anh rất biết cách thể hiện mình lịch sự. Anh thường nói thầm vào tai các cô bạn nhảy xinh xắn: “Em nhảy đẹp lắm!”. Khi thấy các cô đỏ mặt lên, anh nghĩ các cô sung sướng (thực ra các cô rất xấu hổ vì mới tập nhảy 1 tuần), anh ngỏ lời mời cô đi đâu đó!

Theo lời một thầy dạy nhảy, Hải Phòng có khoảng 3.000 người được học nhảy căn bản. Họ là học sinh, sinh viên, nhà báo, nhà giáo, công chức, quan chức, người về hưu, người tự do,… Phụ nữ chiếm 2/3, chứng tỏ họ có tâm hồn nhảy múa hơn cánh đàn ông. Trong 3.000 ấy chỉ có 600 người ngày ngày đến sàn nhảy. 60% tuổi từ 35 trở lên. May thay người Hải Phòng đến vũ trường không phải để khều lấy những cô gái như D. Rất đông đi nhảy để thay thể dục. Rock, Ráp là thể dục nhịp điệu của thanh niên, còn Tango, ChaChaCha – thể dục nhịp điệu của người đứng tuổi. Giám đốc về hưu Ngô T. mỗi năm chỉ đi “thể dục” có 12 lần, mỗi lần dài 30 ngày, mỗi ngày 2 buổi. Năm nay bác 68 tuổi, lưng thẳng, mắt sáng, nhảy Valse xoay như gụ. Bác chẳng bao giờ thèm xem quảng cáo thuốc trên ti–vi. N.T.T cũng nổi tiếng là một bà hay nhảy. Nhìn bác làm động tác “te” trên sàn, chẳng ai nghĩ rằng đấy là một bà già 77 tuổi. Nhầm tuổi người hay khiêu vũ là chuyện thường tình. Nhảy làm trẻ lại tâm hồn, thổi khí xuân vào tâm trạng. Khá đông những phụ nữ có gia cảnh trái ngang tìm đến nhảy như một liều thuốc an thần. Khoảng giữa năm ngoái, trên sàn tập nhảy của Cung VHLĐ Việt Tiệp, người ta gặp một cô gái tuổi ngoài 40 mặc áo nâu sồng, ánh mắt mơ hồ. Nghe nói sau khi chồng chết, cô thường đi chùa, ngồi thiền, xem số tử vi. Không rõ ai kéo cô đến nơi này tập nhảy. Một năm sau thì cô mặc váy trắng, mắt sáng long lanh. Bạn bè đùa cô là sự thay đổi lớn nhất của năm 97. Cô tên là K. làm việc ở Công ty M. Hải Phòng.

Dĩ nhiên người ta đi nhảy còn vì khiêu vũ là một nghệ thuật có sức hấp dẫn lạ lùng. Người Pháp nói rằng: “Chẳng gì đẹp bằng thuyền bể căng buồm, ngựa phi nước đại, đàn bà khiêu vũ”. Nó bắt người ta vui vẻ rời nhà ra đường giữa lúc mưa dầm gió bấc. Nó cho người ta cảm giác 3 giờ đồng hồ chỉ là khoảnh khắc. Anh T. bị ngã trẹo chân, vẫn cố ra sàn nhảy để ngồi thở không khí của nó. Nhìn các bước chân trên sàn, anh nói với tôi về những tính cách con người: Người thô thiển dẫu nhảy giỏi cũng không đẹp. Người tầm thường dẫu có ngửa mặt lên trời cũng không mạo được vẻ cao sang. Người lẳng lơ nhảy õng ẹo. Người khắc khổ nhảy cứng nhắc. Người kiêu căng nhảy lạnh lùng. Người dễ dãi nhảy phóng túng. Người trẻ thích nhịp điệu nhanh, người già thích tiết tấu chậm. Có người nhảy theo kiểu cách hiện đại. Lại có người như bác H. hai mắt đã lòa, vẫn nhờ bạn dắt đến sàn, để đi những bước nhảy thời Tây.

Không “chung thủy” như những người nhảy “vị nghệ thuật”, người đi nhảy vì những mối quan hệ xã giao thường chỉ là khách vãng lai vũ trường. Lại có những người đến sàn uống nước, ngủ gật chẳng bao giờ nhảy. Đó là những đức ông chồng hiểu và chiều vợ. Tan cuộc nhảy lại dắt xe đưa vợ về…

Những vũ trường 3.000đ

Doanh nhân Hải Phòng đầu tư tiền tỷ vào 3 vũ trường cao cấp (Cola Discotheque, Kaoshiung, Gold Palace) với những hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại được quảng cáo là chẳng thua Thái Lan hoặc Singapore. Trừ mấy ngày trước và sau Tết có lắm “kiều” về nước, còn thì bao trùm vũ trường là không khí vắng lặng, chờ đợi, dù cho cả dàn loa Mỹ ra sức rung lên âm thanh hết cỡ mời gọi. Đơn giản là vì du khách, những kẻ tiêu tiền không sợ tốn kém, ít dạo gót đến nơi đây. Còn người Hải Phòng hàng tối sẵn sàng móc túi 30.000đ mua một cái vé vào của uống 1 lon Tiger với giá 25.000đ, lại quý hiếm hơn. Ở thành phố này, những người giàu có thường không biết nhảy, những người biết nhảy lại không giầu có. Thế là xuất hiện những “vũ trường 3.000đ” để phục vụ cho 3.000 “thượng đế” hay nhảy.

Một căn phòng rộng 100m2 và vài cái đèn xanh đỏ, một máy cát-xét với 2 thùng loa, một người bán vé và 2 người trông xe đạp, một loạt quạt treo tường với vài ba cô bé bê nước, bốn mùa ăn mặc kín mít từ đầu đến chân. “Ca ve” phải mang từ nhà: vợ, người yêu hoặc bạn bè… Đó là các vũ trường 3.000đ - cách nói văn vẻ của những sàn nhảy bình dân. Vũ trường 3.000đ đầu tiên ở Hải Phòng là sàn nhảy 23 Điện Biên Phủ, do một người đàn ông lịch lãm làm chủ. Năm 1995, trong lúc đi dạo qua các công viên, ông thấy các cụ về hưu ngồi vật vờ ngoài ghế đá vườn hoa nhiều quá. Thế là ý tưởng mở vũ trường 3.000đ đã đến với ông chủ tịch công đoàn Cty… Ông chủ trương vé vào cửa 3000đ hợp với túi tiền lương hưu còm của các cụ, không bán rượu trong sàn nhảy. Nếu có cụ ông nổi hứng muốn chiêu đãi các cụ bà, thì có CocaCola, nước khoáng đóng chai Quang Hanh, bán theo giá chợ. Giản đơn là vậy, nào ngờ các cụ hưởng ứng rất đông, thế rồi cả thanh niên cũng kéo đến. Ông chủ sàn phải chia lịch để đám con cháu không được ngồi chung sàn với các cụ. Không được lẫn lộn giữa Rock, Rap và Rhumba.

Thành công của sàn nhảy 23 Điện Biên Phủ đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt các vũ trường theo phong cách 3.000đ. Ăn khách nhất hiện nay là sàn nhảy của Khách sạn Công đoàn Hồ Sen với 150 người thường xuyên đến nhảy, chủ yếu là các vũ điệu cổ điển. Sàn nhảy của CLB UNESCO Hải Phòng nhờ điều hành lịch sự, tạo được không khí thân mật trong một gia đình. Thất vọng nhất là sàn nhảy của 1 cơ quan văn hóa lúc nào cũng ướt át vì nhạc “sến”.

Những người đi nhảy Hải Phòng chấp nhận một cách dễ dàng điều kiện đầu tư vật chất đơn giản của một sàn nhảy bình dân, nhưng họ không chấp nhận được sự bình dân trong đầu tư trí tuệ. Nhạc là linh hồn của người nhảy. Người điều hành các vũ trường 3.000đ phần lớn là dân tay ngang. Họ quan niệm ngây thơ rằng chỉ cần 1 người biết nhét vào máy cát-xét cái băng có ghi Bebop, hoặc Tango, hoặc ChaChaCha… và ấn nút. Vì thế người ấn nút có thể là một thanh niên mới ở quê ra, một thợ máy chiếu xi-nê, một nhân viên phục vụ phòng KS… Thị hiếu âm nhạc lệch lạc, vô tình nhét vào tai người nhảy những giai điệu sến não nề, sướt mướt về một “mối tình còn trinh”, về nỗi “tình mình bây giờ đau như ngọn roi”… Thứ nhạc là là mặt đất, “Linh hồn” không bay lên được! Không phải cái giá tiền 3.000đ vào cửa, mà chính âm nhạc ở các sàn nhảy Hải Phòng xác định tính chất rẻ tiền của nó!

Không thầy đố mày "nhảy" được

Cung VH Việt Tiệp của LĐLĐ Hải Phòng là trung tâm đào tạo và phát triển nghệ thuật khiêu vũ lớn nhất Hải Phòng. Gần 1.500 người được xóa mù khiêu vũ ở đây, từ bà Chủ tịch LĐLĐ Hải Phòng đến người viết phóng sự này. Các CLB vũ dưỡng sinh cho người cao tuổi, CLB vũ quốc tế cho các giám đốc doanh nghiệp, cho những người thích khiêu vũ của Cung liên tục phát triển. Người Hải Phòng cũng tìm đến tập nhảy ở NVH Thanh niên, NVH quận Hồng Bàng, Lê Chân… Hàng loạt cơ quan văn hóa, thương mại, công nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, trường học mời thầy về phổ cập nhảy cho CBCNV. “Máu” hơn thì kết 5-7 người một, rủ nhau tìm thầy học nhảy! Gia đình khá giả thì rước thầy về tư gia.

Dạy nhảy trở thành một nghề kiếm sống được ở Hải Phòng. Thầy dạy nhảy có thể là một lãng tử biết khiêu vũ từ thời Tây, những “tay chơi” đã lê chân từ Sài Gòn ra Hà Nội, diễn viên múa làm tay trái và khá đông là “thầy lớp 3 dạy lớp 1” - những người cố gắng dạy “đệ tử” đi đúng bước hơn dạy nhảy đẹp. Nếu ra sàn nhảy, bạn thấy một người đàn ông mặt mũi quan trọng giữa 9,10 người rụt rè, ngượng ngập, thì đấy là thầy dạy nhảy đưa học sinh đi thực tập!

Nhảy là văn hóa

Nhảy có sức sống bất diệt cùng nhân loại như thi ca, âm nhạc. Vì thế, cả thế giới vẫn nhảy Valse, Tango… hàng trăm năm nay, dù đã trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá. Ai cũng có quyền được nhảy.

Danh hoạ Goya đã nói rất hay (đại ý): "Bức tranh khoả thân không xấu. Nó chỉ xấu trong con mắt của kẻ thô tục". Thật tiếc, một số kẻ “kinh doanh nhảy’’ ở vài vũ trường cao cấp có những loại rượu đắt tiền và những “ca-ve” chân dài làm xuyên tạc nghệ thuật nhảy trong định kiến khe khắt của xã hội. Một bà mẹ cấm con chơi với bạn, vì mẹ nó (một người phụ nữ đứng đắn) thường đi nhảy?! Một công chức có “máu” nhảy, nhưng chỉ dám nhìn, vì sợ đồng nghiệp đội cho cái mũ “ăn chơi”! Một ông chồng cấm vợ nhảy, vì nghĩ những người đàn ông ở đó toàn dạng “Típ Phờ Nờ”. Một bà vợ cấm chồng nhảy, vì xếp những người đàn bà ở đó vào dạng ong bướm! Không có loại hình nghệ thuật nào lại bị “oan” như Nhảy. Ở Hải Phòng này, những ai hiểu sai nhất về khiêu vũ là những người không đi nhảy (đích thực) bao giờ. Xin mời đến sàn nhảy của Khách sạn Công đoàn, của CLB UNESCO HP… ăn chơi ư? Bà X suốt ngày bán canh bánh đa, tối mặc váy xòe đi nhảy. Cả một tối vui mất 3000VNĐ! Ong bướm ư? Nói thế là xúc phạm đến rất nhiều người đáng kính đấy. Một chàng thanh niên hay nhảy thì khó gặp những kẻ buôn ma túy, tội phạm. Một ông bà già hay nhảy thì không thân người bán thuốc. Sao không bật nhạc lên để nhảy trong ngày cưới của mình, trong các hội nghị tổng kết, trong các lễ mừng sinh nhật, trong các cuộc gặp bạn bè… như người Hải Phòng! Hãy Khiêu vũ nào! Nếu không đoạt giải “Đôi giày Vàng” thì cũng được sức khoẻ Vàng và tâm hồn Vàng!
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
docco
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
95.6%
 
Bài viết: 978
Ngày tham gia: Tháng hai 29, 2012, 2:38 pm
Đến từ thành phố: HCMC
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, power saving, thực phẩm chức năng

Những chuyện nhặt được trên sàn khiêu vũ

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng một 12, 2015, 8:15 am

Những chuyện nhặt được trên sàn khiêu vũ

Anh P. là nhà khoa học. Đối tượng nghiên cứu của anh là những vì sao cách chỗ anh đứng 20 vạn năm ánh sáng. Ngược lại, vợ anh thì chỉ cần biết đến Sàn khiêu vũ cổ điển Tao Đàn cách nhà gần 20 phút đi bộ. Khác nhau là thế, song họ vẫn giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn nhờ học được cách làm ngơ. Chị không xấu hổ vì anh cục mịch như bức tường đất, cả đời không biết một bước tango. Anh thì dửng dưng khi cuộc đời chị gói gọn trong vòng luẩn quẩn của váy áo và vũ hội. Ngày mai đi thi nhảy nên chị lôi hết váy áo ra đứng trước gương. Thấy anh lẩm bẩm: “Chẳng biết có được cái gì?”, chị đáp tỉnh queo: “Dù không được đôi chân vàng, thì em cũng được cái sức khỏe vàng!”.

Hình ảnh

Nhảy mang lại sức khỏe vàng

Xã hội hiện đại còn đầy những người suy nghĩ như là anh P. Chẳng hạn ông T., giám đốc một doanh nghiệp lớn Hải Phòng. Trong con mắt nhìn sắc lạnh như dao cắt kính của ông, khiêu vũ là thứ sản phẩm văn hóa độc hại chỉ để phục vụ cho bọn rửng mỡ, lắm tiền. Nhân viên của ông đứa nào dính vào nhảy nhót thì tài có như Bill Gates ông cũng chỉ cho lau kính cửa sổ! Đến khi nghỉ hưu, mắt đã phai màu, ông vẫn bền bỉ nuôi dưỡng cái niềm tin ngây thơ đó. Không may, ở nhà ông chẳng có sự yên tĩnh với một bà vợ có hàng đống chuyện bép xép. Nỗi buồn xua chân ông đi khắp nơi. Thế rồi một hôm, trời mây trắng như vườn táo nở hoa, bạn lôi ông vào sàn nhảy Tao Đàn

Chỗ ấy đông người, vậy mà ông thấy lạc lõng. Trong khi mọi người tưng bừng nhảy múa, còn ông thì ngồi trơ khấc với một chai bia trên tay. Ông ngạc nhiên khi thấy mình chưa muốn bỏ đi. Bỗng một cô gái ăn mặc diêm dúa như con gà tây xòe đuôi tiến lại gần ông. Cô mỉm cười mời ông nhay. Nụ cười nhe cả hàm răng khiến cho ấn tượng ban đầu của ông là cô phải đi làm lại bộ răng của mình. Thế nhưng ông vẫn đứng lên ngoan ngoãn theo cô. Thật ngạc nhiên, khi từ lâu ông cứ tưởng mình có tư chất kẻ lãnh đạo! Cô đặt tay lên vai ông - một sự kích thích nhẹ nhàng, nhưng không nguy hiểm! Nào ngờ nhảy lại khó thế.

Ông thấy người mình cứng đờ như cây cột điện trong một buổi sáng sương mù giá lạnh và chỉ biết vặn vẹo người giống một chú cún giũ bộ lông ướt. Tuy nhiên, sàn nhảy là nơi ông cảm nhận được tình yêu với âm nhạc và vũ đạo. Tiếng nhạc tango dặt dìu khiến con mèo già của cô chủ sàn cũng phải kêu lên gừ gừ khoái trá. Lần đầu tiên ông hiểu được câu nói: “Không gì đẹp bằng thuyền biển căng buồm, ngựa phi nước đại, đàn bà khiêu vũ”. Thế rồi từ đó, ông chẳng cần biết trời nhiều mây trắng hay là mây đen, Tao Đàn có nhạc là ông vào nhảy. Bây giờ thì ông bình tĩnh, tự tin trên sàn như thổ dân trong rừng rậm. Thật là kỳ lạ, nhảy đã nhóm lên ngọn lửa sưởi ấm những đốt xương già ở ông.

Chứng đau mình mẩy lúc trời trở gió tự nhiên mất hút. Khi màn đêm xuống, mắt ông như có một làn sương mỏng bao phủ và trong giấc ngủ dễ dàng ông mơ thấy mình đang cùng bạn nhảy đi bản valse - bà hoàng của các điệu nhảy. Năm nay ông đã lên cụ. Ở tuổi 75, cụ T. thích cùng một cô gái trẻ nhảy pasodoble - điệu nhảy của người đấu bò! Lưng vẫn thẳng như gác chuông nhà thờ, cụ tuyên bố rất xanh rờn: “Hơn mười năm rồi tôi không uống một viên thuốc! Chỉ những người nào chưa bước chân vào sàn nhảy thì mới nghĩ xấu về nhảy!”. Công bằng mà nói, cụ không phải người duy nhất đã được “lột xác” trên sàn.

Một ngày nào đó, có chàng trai đến rót vào tai cô Th.:”Anh sẽ la nơi neo đậu của em!”, thế là cô đi lấy chồng. Rồi cũng từ đấy, chồng cô coi cô như một đóa hoa không cần tưới nước, Anh tát cạn cuộc đời cô, biến tâm hồn cô thành một mảnh đất khô cằn. Thời gian trôi qua như tiếng thở dài… Thế rồi, cô bỗng phải lòng khiêu vũ, như nhiễm phải thứ virus.

Từ đó, muốn nhìn thấy vợ thì anh chồng cô phải ra sàn nhảy, hơn là hy vọng gặp cô ở nhà. Anh đã ngỡ ngàng khi không nhận ra, thay vì, một người đàn bà suốt ngày ủ rũ giống mảnh giẻ ướt vắt trên dây phơi, lại là cô gái bước chân linh hoạt, mắt sáng long lanh. Cô đã vứt bỏ những thứ đồ ngủ xộc xệch ở nhà để mặc các bộ váy bay bồng bềnh khi cô quay tròn. Lúc nào cô cũng thơm tho như bông hồng bạch. Bây giờ cô chỉ cần nhấc ngón tay là có ngay 3 chàng trai chạy thật nhanh đến để mời cô nhảy. Ở sàn cô được đối xử như một quý cô, chứ không phải như cái bà nội trợ nhàu nhĩ, bừa bộn giống một chiếc giường chưa dọn ở nhà. Cô nói cha mẹ đã sinh ra cô và khiêu vũ đã cho cô cuộc sống.

Nhảy là đam mê

Tất nhiên không phải ai đi khiêu vũ cũng đều ở trong hoàn cảnh cực đoan như của cụ T. hay cô Th. Hầu hết họ đến với nhảy chỉ đơn giản vì… thích nhảy! Ngày nay, khiêu vũ cổ điển cũng giống như nhạc cổ điển, không chỉ dành riêng cho một tầng lớp mũ cao áo dài chọn lọc. Ai cũng có thể bước ra sàn nhảy, miễn là có tiền mua vé vào cửa! Họ là giáo viên, bác sỹ, nhà thơ, nhà báo, chị hàng cá, anh xe ôm… Cũng có những gã thuộc giới giang hồ, cuộc sống thường bị chi phối chỉ bởi bạo lực và nỗi sợ hãi. Thật lạ, họ rất lịch sự! Nghĩ cũng phải thôi, đến với khiêu vũ, người ta hướng tới cái đẹp. Trên sàn Tao Đàn có một cô gái vừa lùn, răng lúc nào cũng như cười, thế nhưng được nhiều chàng trai vây quanh vì cô nhảy đẹp hơn những cô gái chân dài, mắt to.

Một ông giám đốc bụng to, miệng hét ra lửa, song lại bị các quý bà từ chối để nhảy với anh bảo vệ, bởi vì anh này nhảy giỏi. “Chọn người đàn bà (đàn ông) nhảy đẹp, chứ không chọn người đàn bà (đàn ông) đẹp nhảy” là nguyên tắc vàng của những người đi khiêu vũ thực thụ. Tất nhiên, để có cái đẹp họ phải trả giá. Có người trở thành “điên, hấp” trong mắt thế nhân chỉ bởi vì lòng đam mê đến cháy bỏng với khiêu vũ - một môn nghệ thuật đầy cám dỗ.

Khâm là chủ một quán internet mở đến nửa đêm. Trong lúc đợi khách, anh ra ngoài đường, một mình nhảy dance sports. Anh nhảy say sưa và cảm thấy cả mặt trăng đang rọi xuống mình bằng thứ ánh sáng xanh nhạt cũng lắc lư trên bầu trời. Người qua đường bảo anh “hấp”. Cũng thế, anh Đông lái xe chở rác, trong lúc chờ đợi công nhân môi trường chất rác lên xe, anh đứng cạnh đống rác đang bốc mùi phân hủy giữa một ngày đông rét mướt, tập nhảy salsa, điệu nhảy của miền nhiệt đới có bờ biển ấm và những cô gái thơm mùi dầu dừa, cho chân đỡ ngứa.

Trẻ con ném đá vào anh, bỏ chạy và hét: “Thằng điên!”. Ôi, nếu họ nhìn thấy anh Đông, anh Khâm đang bay lượn trên sàn nhảy thì hẳn sẽ thấy hối tiếc, muốn rút lưỡi lại. Trong mọi loại hình nghệ thuật, thành công chỉ đến với những người có chất điên như thế! Tạ Hữu Mạnh, Vũ Minh Hằng là một cặp đôi khiêu vũ thể thao (dance sports) nổi tiếng làng nhảy Việt Nam.

Từ năm 2007, họ dám điên lên, vay nam mượn bắc 6.000 đô Mỹ để thuê một vũ công Nga dạy riêng cho mình. Vũ công Nga này cầm một cây gậy thường đập vào vai, vào cằm, vào chân, vào tay để uốn nắn các tư thế. Nhờ công khổ luyện như vậy, cho đến bây giờ chưa có đôi nhảy nào ở Hải Phòng đạt đến tinh hoa của nghệ thuật dance sports và gặt hái nhiều thành quả ở các cuộc thi khiêu vũ quốc gia như cặp Mạnh - Hằng. Sau này vì một chấn thương ở chân biến chứng mà Tạ Hữu Mạnh, một vũ công được đồng nghiệp đánh giá có tâm, có tài, đã tử vì nghiệp ở tuổi 37!

Hai mặt sàn nhảy

Trong lúc cụ T., cô H. và hàng ngàn người Hải Phòng ngày ngày đi khiêu vũ để tìm sức khỏe vàng, niềm vui cuộc sống thì có những người, ít thôi, họ ra sàn nhảy để tìm thứ khác, không có trong bản chất của môn nghệ thuật cao quý này.

X. thuộc loại người có vẻ hào nhoáng vay mượn với một nụ cười dễ dãi lúc nào cũng lủng lẳng ở bên mép. Anh không có một móng tay chất "điên" như của anh Đông, anh Khâm nên chưa bao giờ X được xếp hạng trong làng khiêu vũ. Không sao! Nhảy không phải là ưu tiên hàng đầu của X., do anh có mối quan tâm đặc biệt đến những chỗ xẻ sâu trong trang phục phụ nữ. X. luôn cho rằng: “Đàn bà là đồ trang sức của người đàn ông” và anh chính là một câu trả lời hoàn hảo cho lời cầu nguyện của họ. Ra sàn, X. thường ngồi khuất ở góc.

Khi nhắm được một đối tượng, X. vừa nhảy vừa thì thầm: “Em là bến đỗ đời anh!” - như con mèo già biết kêu meo meo với vẻ chân thực đáng ngờ - vào tai cô gái đã bị đờ đẫn vì các bước nhảy có sức lôi cuốn hoang dã của anh. Có thế thôi mà X. rất thành công. Ngoài sàn, anh được mệnh danh “đao phủ” chuyên chặt trái tim phụ nữ.

Y. cũng thay đàn bà như lính canh thay gác. Nhưng anh cho rằng người đẹp có ngày hết đát, còn tiền thì không bao giờ lỗi mốt, cho nên Y. nổi tiếng là một nhà vô địch trong việc an ủi những người phụ nữ cô đơn rồi tiện thể lấy luôn tiền của họ. Khi nhìn vào một cô gái, anh chẳng đặc biệt quan tâm đến các số đo 3 vòng của cô, mà đôi mắt của anh hiện lên con số: Cô trị giá bao nhiêu tiền?
Bởi không thể nào lại bất lịch sự với một người có giá trị tiền tỷ xách túi Vuitton, mặc đồ Prada, ngồi xe Lexus đi nhảy! Trên sàn có người đàn bà đi không đã thấy nặng nề, ít ai muốn mời bà nhảy. Nhưng Y. không nghĩ nặng nề là một nhược điểm khi nguyên nhân là bà phải gánh theo trọng lượng của đồ trang sức bà mang trên người. Anh mời bà nhảy.

Chỉ sau một điệu rhumba, Y. đã biết bà đang được thừa hưởng một đống gia tài kếch xù. Và khi đến điệu valse chậm, thì anh tỏ tường bà không có việc gì khác ngoài điều chỉ dùng thời gian để tiêu xài nó. Với chân nhảy giỏi như Y., thì không có chuyện anh lại vụng về dẫm lên trái tim phụ nữ. Dẫu rằng bà đã cảnh giác như mọi bà góa lắm tiền, thì bà cũng đã bị anh chinh phục trong một buổi tối khi điệu slow mùi mẫn nổi lên. Thế là từ đấy, Y. lại bắt đầu lên đời từ áo quần đến xe cộ bằng tài khoản của bạn nhảy.
Vĩ thanh

Buổi sáng Chủ nhật, suốt dải vườn hoa trung tâm thành phố Hải Phòng luôn có hàng trăm người say sưa khiêu vũ ngoài trời. Tôi găp chồng cô Th. Anh nói đã bỏ rượu chè để đi tập nhảy. Anh không muốn bị cô đơn và phải khóc thương cho chính bản thân như cô vợ mình ngày xưa. Tôi ngạc nhiên thấy cụ T. đang ngồi rảnh rỗi trước ly cà phê vỉa hè, giờ này mọi khi cụ đã đi nhảy: “Tao Đàn mất điện!” cụ nói. - “Sao cụ không sang chỗ khác?”. - “Không được! Tao Đàn có thằng Cường biết làm nhạc, chỉ nó mới biết nhạc là linh hồn của nhảy. Nhạc ở chỗ khác tôi không nhấc chân lên được!”.

Bây giờ, cụ vẫn khó tính, cái khó tính của người yêu khiêu vũ chứ không phải cái khó tính của một người ghét khiêu vũ ngày xưa. Xin đừng bực nữa cụ ơi, Tao Đàn sẽ lại có điên. Cường “nhạc” sẽ lại mở bản valse của Shostakovich cho cụ nhảy. Cuộc đời lại thật là đẹp!

Hà Linh Quân
Nguồn: anhp.vn
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam (Male)
Handphone: 0
Tagsminh ha, khiêu vũ,dancesport,ballroom,latin,standard, âm nhạc, solar, năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện, power saving, thực phẩm chức năng


Quay về KHIÊU VŨ SÀI GÒN (A popular style of social dance in Vietnam)

Points: 0

cron