Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Tại Sao Trẻ Con Bây Giờ Hư?

Tại Sao Trẻ Con Bây Giờ Hư?

Gửi bàigửi bởi gabhung » Tháng tư 07, 2017, 10:59 pm

Em là thành viên mới tham gia diễn đàn mình. Thay lời giới thiệu, em xin chia sẻ với mọi người bài viết về quan điểm của em về vấn đề "con hư". Mong nhận được nhiều phản hồi đóng góp. Em xin chân thành cảm ơn.
_____________________________
Tại sao trẻ con bây giờ hư?

Ngày nay, con hư là một vấn đề không còn xa lạ với các bậc phụ huynh, đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ. Trước hết, để khách quan nhất thì phải thú thật là bản thân tôi cũng chưa lập gia đình, nên chắc chắn “chưa làm cha làm mẹ” bao giờ để đứng trên góc độ đó mà nói hay cả. Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm 7 năm rèn giũa những học trò ương bướng, khó bảo ở tầm tuổi cấp 2, và qua những trường hợp tư vấn cho phụ huynh uốn nắn con thành công, tôi xin đứng trên quan điểm một người thầy để phân tích vấn đề này thấu đáo nhất.

Con thế nào là hư?
Có rất nhiều “tiêu chuẩn” được “người lớn” đặt ra để đánh giá một đứa trẻ là ngoan hay hư, tùy thuộc rất nhiều vào nền nếp giáo dục của mỗi gia đình. Nhưng chung quy phần lớn mọi người sẽ cho rằng một đứa trẻ là hư khi “cãi lại, hành động chống lại cha mẹ, người lớn” hoặc “tự ý hành động, bỏ ngoài tai lời cha mẹ, người lớn”.

Tại sao trẻ lại có thái độ bất hợp tác?
Dù là hành động phản bác hay phớt lờ thì nguyên nhân chính của thái độ bất hợp tác là sự bất đồng chính kiến tức thời trong cách nghĩ, hoặc là phản xạ có điều kiện trong thời gian dài. Con trẻ bây giờ rất thông minh và cập nhật thông tin nhanh hơn người lớn, cho nên việc bất đồng chính kiến thỉnh thoảng xảy ra là một điều bình thường. Tuy nhiên, trường hợp phổ biến nhất, mà làm cho nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu, chính là khi thái độ bất hợp tác của trẻ đã trở thành phản xạ có điều kiện.

Nguyên nhân khiến trẻ trở nên “hư”

Dân gian ta thường hay có một câu rất vui nói về điều này là “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.” Nhiều người nghe câu này xong thường hiểu theo nghĩa đen và có luận điệu khá tiêu cực theo kiểu đổ hoàn toàn trách nhiệm dạy con cho bà và mẹ vậy. Theo tôi, câu tục ngữ này nên hiểu theo nghĩa rộng hơn là “Con trẻ hư là do cách giáo dục của người xung quanh”, trong đó bà và mẹ ám chỉ những “người lớn” tiếp xúc thường xuyên nhất với con trẻ. Theo đó, cách định hình suy nghĩ của đứa trẻ sẽ ảnh hưởng gần như hoàn toàn từ lời nói và hành động của những “người lớn” này. Có 3 hướng “hư hóa” chính là:

* Bắt chước theo thói hư tật xấu của “người lớn”
Hướng này ảnh hưởng sâu sắc nhất đến thói quen sau này của trẻ, cũng là trường hợp “người lớn” ít đề phòng nhất. Chúng ta không thể đề phòng hết những lúc đứa trẻ “thấy” và “bắt chước”. Những lời dạy, khuyên, mắng lúc này đều sẽ vô ích, vì càng trong giai đoạn nhỏ tuổi, trí nhớ của con trẻ lại càng chỉ tập trung vào bắt chước hình ảnh, âm thanh một cách vô thức.

* Ỷ lại cho “người lớn” mọi việc
Đây là một phản xạ có điều kiện hình thành ở những đứa trẻ được gia đình chăm sóc chu đáo thái quá (nuông chiều con). Cụ thể đó là việc một số bậc cha mẹ vẫn tiếp tục thói quen làm hộ từng việc nhỏ nhất cho trẻ (như chăm Trẻ sơ sinh), kéo dài tới tận khi chúng “lớn tướng”. Trường hợp này thường dẫn đến thói ỷ lại sau này của trẻ, với biểu hiện chủ yếu là “đánh trống lảng” lời của “người lớn”.

* Bắt mọi người phải chiều theo ý mình
Trường hợp này cũng là một phản xạ có điều kiện, hay xảy ra ở những đứa trẻ được gia đình chăm sóc chu đáo thái quá. Tuy nhiên đứa trẻ lại có tư chất hoạt bát nên thường thể hiện hành động áp chế “người lớn”, tìm đủ mọi cách bắt người khác làm theo ý thích của nó. Nó có thể giỏi “ăn vạ”, “làm trò”, “khéo nịnh”,… mà chúng ta hay gọi là “khôn” để thắng bằng được “người lớn”. Mấu chốt của vấn đề là ở việc “người lớn” rất dễ nhượng bộ đứa trẻ cho xong việc. Do vậy, những đứa trẻ ở dạng này lớn lên thường rất hay “cãi láo” khi không vừa ý điều gì.

* Tin vào những lời “dỗ”, “đùa” của người lớn
Chúng ta hay có một quan niệm khá sai lầm là “trẻ con không biết gì” khi nói “chuyện của người lớn” với nhau. Quan niệm này có thể là đúng đối với các thế hệ trước, nhưng như tôi đã nói ở trên, trẻ con bây giờ “khôn” rất sớm. Những lời nói, hành động của “người lớn” với một đứa trẻ sẽ được ghi nhớ ngẫu nhiên ở tiềm thức trong quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là ta không thể biết được sau này trẻ sẽ nhớ lại được những lời nói, hành động nào của “người lớn”. Những lời “dỗ” hay nói đùa với nhau của chúng ta trước mặt con trẻ chính là nguyên nhân làm chúng mất niềm tin vào lời nói của “người lớn” sau này, khi chúng biết được sự thật sau những lời nói đó. Mà khi đã không tin tưởng, trẻ sẽ thể hiện thái độ bất hợp tác.

Giải pháp nào để tránh “dạy hư” trẻ?

Tôi đã chứng kiến và đồng hành cùng các anh chị của mình trong việc dạy bảo những đứa cháu từ khi chúng mới lọt lòng mẹ. Chắc chắn giải pháp để không “dạy hư” con trẻ là tránh tất cả các hành động tạo ra thói hư cho chúng, như đã nêu ở trên. Một cách vắn tắt, “người lớn” nên chú trọng tới một số điểm như sau:

* Luôn luôn nói sự thật với trẻ
Ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra, “người lớn” hãy trò chuyện với nó như thể đang trò chuyện với một người trưởng thành. Những điều này sẽ ghi nhớ một phần vào tiềm thức đứa trẻ và là nền tảng cho sự “tin tưởng” của đứa trẻ đó vào lời nói của “người lớn” sau này. Đó là cơ sở tạo nên “sự vâng lời”.

* Đừng bao giờ “dỗ” trẻ
Điều này thoạt đầu nghe có vẻ đi ngược lại cách làm thông thường của các bậc cha mẹ. Nhưng “không dỗ” có nghĩa là tạo cho trẻ thói quen chịu trách nhiệm với những vấn đề của chính mình gặp phải. Tính cách tự lập và biết phân biệt đúng sai của trẻ về sau chính bắt nguồn từ thói quen này.

* Trở thành “chuyên gia” của con
Ai đã làm cha làm mẹ đều hiểu khi đứa trẻ bắt đầu biết nói, nó sẽ bắt đầu thắc mắc về mọi thứ xung quanh mình. Và người trả lời phần lớn các câu hỏi đó thường là cha mẹ. Do vậy, các bậc cha mẹ nên đầu tư hơn vào các câu trả lời với con, nói cách khác là thường xuyên học hỏi và cập nhật những thông tin mới. Cha mẹ nào cũng muốn những đứa con sau này sẽ chia sẻ với mình mọi điều trong cuộc sống.

* Giữ bản thân tránh xa mọi thói quen xấu
Điều này là quan trọng nhất đối với bất kì “người lớn” nào trong quá trình giáo dục con trẻ. Tục ngữ nói “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, ám chỉ việc đứa trẻ trong nhà là hình ảnh phản chiếu những thói quen của “người lớn”. Không ai muốn con cái học tập toàn thói xấu của mình khi lớn lên cả. Vì vậy, hãy trở thành con người “làm gương” cho trẻ noi theo, ít nhất là trước mặt chúng.

Phải làm sao khi con đã “hư”?

“Dạy con từ thuở còn thơ”, lời dạy của ông cha ta từ xưa đến nay vẫn luôn đúng. Nhưng thực tế rất nhiều người chỉ nhận ra là mình đã dạy con sai phương pháp khi chúng đã “quá hư” rồi. Và vì quá bế tắc, họ bắt đầu sử dụng đòn roi, mắng chửi,… với hi vọng con cái sẽ vì sợ hãi mà nghe theo. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là trẻ con bây giờ rất thông minh, chúng có đủ khả năng để “bắt thóp” tâm lý của các bậc cha mẹ. Các hình thức áp chế tức thời như vậy đến một thời điểm nào đó sẽ không còn tác dụng gì nữa. Chính thực tế này đã khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu trong việc tìm ra một giải pháp để “uốn nắn” lại những đứa con “hư” của mình.

Việc uốn nắn con cái lúc này không còn nằm trong tay của cha mẹ hay những “người lớn” xung quanh trẻ từ nhỏ nữa, vì niềm tin và sự tôn trọng của chúng vào những con người này không còn, nên chúng sẽ không nghe theo bất cứ cái gì đâu. Giải pháp duy nhất là “người lớn” cần tìm một vài “người khác”, những người “làm gương” mà trẻ chưa từng tiếp xúc bao giờ, để họ có thể áp dụng lại một lần nữa những nguyên tắc dạy trẻ thay cho mình. Hiệu quả của việc này đã được tôi chứng minh trong 7 năm qua trên chính những học sinh “hư” của mình.

Lời kết
Qua những dòng phân tích trên, tôi hi vọng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề “hư” của trẻ em ngày nay, từ đó có được đánh giá riêng về phương pháp dạy con của mình, cũng như hiểu tâm lý con mình hơn. Đừng bao giờ trở thành những người dạy hư con trẻ!

Đừng ngần ngại email hoặc kết nối trực tiếp qua Facebook cá nhân của tôi khi bạn cần lời khuyên về giáo dục con cái. Hãy chia sẻ nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.

Lê Mạnh Hùng​
Giảng viên tự do các môn Khoa học tự nhiên THCS. Kinh nghiệm 7 năm đào tạo học sinh kém đến rất kém tiến bộ trong thời gian cực ngắn. Tác giả tại Đẳng Cấp Gì Vậy.com. Hãy liên hệ email của tôi bất cứ khi nào cần tư vấn.
RANDOM_AVATAR
gabhung
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Tháng tư 07, 2017, 10:46 pm
Đến từ thành phố: Hà Nội
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam
Handphone: 0

Quay về Tình yêu - Lối sống

Points: 0

cron